Triều Tiên, Hàn Quốc đồng loạt phóng tên lửa trong cùng một ngày

225

Hàn Quốc và Triều Tiên đồng loạt phóng tên lửa đạn đạo trong một ngày, diễn biến khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang.

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 8/2017 (Ảnh minh họa: KCNA).

Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, vào 12h38 và 12h43 (giờ địa phương) ngày 15/9, Triều Tiên đã phóng các tên lửa ra khu vực ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc cho biết, các tên lửa Triều Tiên bay xa 800 km và lên tới độ cao 60 km.

Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên “đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản và khu vực”.

Bộ Chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii cho biết vụ thử của Triều Tiên không gây ra bất kỳ “mối đe dọa tức thời nào” đối với Mỹ hoặc các đồng minh của họ, nhưng nhận định rằng vụ phóng cho thấy “tác động gây mất ổn định” của chương trình vũ khí Triều Tiên.

Vụ việc ngày 15/9, là vụ thử tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Biden lên nhậm chức hồi tháng Một và diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử tên lửa hành trình tầm xa hồi cuối tuần.

Hàn Quốc phóng tên lửa vào cùng ngày

Sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, Seoul đã bắn thử tên lửa đạn đạo phóng (SLBM) từ tàu ngầm ROKS Dosan Ahn Changho 3.700 tấn. Các tên lửa đã đánh trúng mục tiêu dự kiến. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chứng kiến vụ phóng SLBM.

Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phóng thử thành công SLBM, tuy nhiên các quốc gia phóng được SLBM trước đó đều là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Seoul không có vũ khí này.

Hàn Quốc trong thời gian qua ngày càng gia tăng năng lực phát triển vũ khí trong bối cảnh họ lo ngại chương trình tên lửa của Triều Tiên. Hồi tháng 5, Washington và Seoul đã nhất trí hủy bỏ quy ước trước kia về giới hạn tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc không quá 800 km.

Vào thời điểm đó, truyền thông Triều Tiên đã chỉ trích động thái của Mỹ là “có chủ ý và thù địch” với Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng cảnh báo sẽ đối phó Mỹ “trên nguyên tắc lấy sức mạnh đấu sức mạnh”.

Trong vụ thử ngày 15/9, Hàn Quốc không chỉ thử SLBM mà họ cũng đã thử một tên lửa không đối đất tầm xa từ một máy bay và bắn trúng mục tiêu. Tên lửa này dự kiến sẽ được trang bị cho tiêm kích tàng hình FK-21 của Seoul.

Ngoài ra, Hàn Quốc từng hé lộ rằng họ đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo mới có thể mang đầu đạn nặng và mạnh mẽ hơn có thể phá vỡ các cấu trúc bê tông và đường hầm. Seoul nhấn mạnh, khí tài này sẽ tăng cường khả năng răn đe của quân đội Hàn Quốc trong thời bình và sẽ được sử dụng làm vũ khí cốt lõi để có các phản ứng áp đảo khi khủng hoảng xảy ra.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã tuyên bố họ đang chế tạo tên lửa hành trình siêu vượt âm có khả năng tấn công tàu đối phương.

Các diễn biến liên quan tới chương trình vũ khí của Seoul và Bình Nhưỡng được cho đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trong khi các cuộc đàm phán nhằm mục đích phi hạt nhân hóa khu vực này đã đình trệ trong suốt thời gian dài vừa qua.