Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết Triều Tiên không phóng tên lửa “quái vật” ICBM như tuyên bố trước đó của họ.
Vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên tuần trước có thể là phiên bản sửa đổi của loại mà họ đã thử nghiệm vào năm 2017, không phải là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới được phát triển mà Bình Nhưỡng tuyên bố đã bắn, các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết trong cuộc họp kín ngày 29/3 (giờ địa phương), theo ABC News.
Ông Min Hong Chul, một nhà lập pháp Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng loại tên lửa mà Triều Tiên thử mới đây là Hwasong-15, không phải Hwasong-17 như tuyên bố trước đó.
Hwasong-15 là loại tên lửa ICBM mà Triều Tiên đã thử nghiệm thành công vào tháng 11/2017, nó đã được thử nghiệm lại 2 tuần trước. Hwasong-17 là loại tên lửa mà Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công vào ngày 24/3.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định Triều Tiên phóng thử Hwasong-15 sau khi lần thử nghiệm Hwasong-17 trước đó thất bại. Báo cáo của cơ quan này cho rằng Triều Tiên từng thử tên lửa Hwasong-17 ngày 16/3, nhưng quả đạn phát nổ sau khi rời bệ phóng được vài km. “Do đó, Triều Tiên quyết định phóng thêm một ICBM đáng tin cậy hơn để xua tan hoài nghi và củng cố tinh thần đoàn kết của người dân”, báo cáo của Hàn Quốc có đoạn.
Triều Tiên chưa bình luận về thông tin trên.
Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 được phóng ở Triều Tiên, ngày 4/7/2017. Ảnh: AP.
Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc đã xác nhận vụ phóng tên lửa mới nhất đã bay 671 dặm ở độ cao 3.852,5 dặm.
Bất kể tên lửa đó là loại mới hay cũ, phân tích quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản khẳng định quỹ đạo bay cho thấy sự cải tiến đáng kể về công nghệ, tầm bắn cũng như quy mô của ICBM có thể vươn tới New York hoặc Washington.
Ngày 25/3, Đài truyền hình nhà nước của Triều Tiên đã đưa tin rộng rãi về vụ phóng tên lửa một video dài 12 phút, tuyên bố “Hwasong-17 mới” này sẽ “đánh dấu sự kết thúc cho lệnh cấm thử tên lửa tầm xa kể từ năm 2017” và “làm cho cả thế giới nhận thức rõ ràng về sức mạnh của các lực lượng vũ trang chiến lược”.