Chờ đợi gì ở trận hạ màn vòng loại World Cup 2022 của tuyển Việt Nam?

406

Cuộc so tài với Nhật Bản ở trận hạ màn vòng loại thứ ba World Cup 2022 tiếp tục là cơ hội để tuyển Việt Nam tích lũy thêm kinh nghiệm và học hỏi.

Thất bại 0-1 trước Oman trên sân nhà hôm 24/3 là trận thua thứ 8 trong 9 trận ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 của tuyển Việt Nam. Thầy trò HLV Park Hang Seo đã thua 4/5 trận trên sân nhà với tỷ số 0-1, còn trên sân khách, Việt Nam thua cả 4 trận, nhận ít nhất 3 bàn thua mỗi trận.

Những kết quả ở vòng loại cuối đã phản ánh đúng thực lực của tuyển Việt Nam. Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội có xu hướng chơi cầm cự trên sân nhà và thua với tỷ số tối thiểu. Trên sân khách, khi đối thủ bung hết lực, đội bóng của HLV Park Hang Seo thường thua đậm.

Thua 1 bàn hay thua 3 bàn, các trận đấu cũng đều cho thấy khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và nhóm mạnh nhất châu Á còn rất xa, dù ĐTQG đã tiến bộ thần tốc dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc. Tuyển Việt Nam đã nỗ lực để lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 rồi trải qua 9 trận đấu để hiểu được thực tế này.

Để khỏa lấp chênh lệch, một hoặc hai thế hệ xuất sắc là chưa đủ. Tuyển Việt Nam cần có những trải nghiệm. Được thi đấu với những đội bóng hàng đầu là nấc thang cần thiết để bóng đá Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026, giải đấu mà số đội tham dự vòng chung kết nâng lên 48 và cơ hội của Việt Nam là rõ ràng hơn.

Nhìn trên khía cạnh thi đấu để học hỏi, cuộc so tài với Nhật Bản ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 là một cơ may nữa để tuyển Việt Nam tiến bộ, dù HLV Park Hang Seo đã mất nửa đội hình vì chấn thương và COVID-19, còn Nhật Bản đã giành vé dự World Cup 2022 nên động lực không rõ ràng.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là hình mẫu của đẳng cấp. Đội bóng của HLV Hajime Moriyasu thua 2 trong 3 trận đầu tiên trước Oman và Ả Rập Xê Út, từng đối diện nguy cơ không được dự World Cup 2022. Tình hình bi quan đến mức HLV Moriyasu bị kêu gọi từ chức, còn đội trưởng Maya Yoshida khẳng định sẽ giải nghệ nếu Nhật Bản mất vé.

Dù vậy, Nhật Bản thắng 6 trận gần nhất (5 trận sạch lưới) để tiến một mạch tới World Cup 2022. Ở vòng loại thứ ba World Cup 2018, Nhật Bản thua UAE trận mở màn trên sân nhà, song thắng một mạch 6/8 trận tiếp theo để dự vòng chung kết. Đó là tầm vóc của một trong hai đỉnh núi cao nhất bóng đá châu Á (cùng với Hàn Quốc).

Nhật Bản vẫn rất mạnh.

Gặp đội bóng như thế, dù trong bối cảnh nào, đối thủ đá với lực lượng và tâm thế nào, cũng là trải nghiệm đáng giá với bóng đá Việt Nam, như Đỗ Hùng Dũng khẳng định đội tuyển phải chiến đấu bởi “cơ may gặp Nhật Bản không phải lúc nào cũng đến”.

Vấn đề của tuyển Việt Nam là học được những gì sau những thất bại? Chấp nhận buông xuôi khi chứng kiến khoảng cách đẳng cấp quá lớn hay tìm cách thay đổi, điều chỉnh để trận sau tốt hơn trận trước?

Ở trận thắng Trung Quốc, HLV Park Hang Seo tăng thêm quân số ở tuyến tiền vệ và tiền đạo để nhập cuộc chủ động, gây sức ép mạnh ở hai cánh để buộc đối thủ mắc sai lầm. Hàng phòng ngự tập kỹ các bài chống bóng bổng để sai lầm lượt đi không lặp lại. Đến trận Oman, tuyển Việt Nam cũng thi đấu cân bằng, tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn.

Dù vậy, có những sai số không thể sửa trong ngày một ngày hai. Pha di chuyển thoát khỏi Hồ Tấn Tài để đánh đầu ghi bàn của Khalid Al-Hajri cho thấy sự khắc nghiệt của bóng đá, khi chỉ ít phút trước đó tuyển Việt Nam đã ở rất gần bàn mở tỷ số.

Ở trận gặp Australia trên sân Mỹ Đình, tuyển Việt Nam cũng thủng lưới ngay sau khi mất quả phạt đền tranh cãi. Một khoảnh khắc thiếu tập trung lập tức đổi lấy một thất bại. Đó là sự tàn nhẫn ở sân chơi khắc nghiệt nhất châu Á.

Tuyển Việt Nam đã hiểu sự khắc nghiệt của vòng loại thứ ba World Cup.

Một vấn đề nữa cần khắc phục, đó là chất lượng con người. Tuyển Việt Nam có 11 quả phạt góc nhưng không ghi bàn, còn Oman chỉ cần 3 quả phạt góc để đưa bóng vào lưới. HLV Park Hang Seo có thể điều chỉnh chiến thuật trong khuôn khổ 90 phút để thu hẹp tối đa cách biệt trình độ, nhưng yếu tố tiên quyết vẫn phải là chất lượng cầu thủ.

Điều này liên quan mật thiết đến tầm vóc của giải vô địch quốc gia và năng lực đào tạo con người của nền bóng đá, mà phải đến khi thực chiến, giới chuyên môn mới nhận ra khác biệt từ những pha chạm một, di chuyển đến dứt điểm của cầu thủ Việt Nam còn thua kém đối thủ thế nào.

Đặt trên những khía cạnh ấy, kết quả không còn quá quan trọng. Tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối đã là kỳ tích và nói như HLV Park Hang Seo thì đòi hỏi chiến thắng là “quá tham lam”.

Màn thể hiện, khả năng khắc phục khó khăn, hay dùng thái độ bù lấp trình độ của cầu thủ trong trận hạ màn mới là điều giá trị nhất, giúp bóng đá Việt Nam vẽ được bức tranh tổng thể những thứ làm để vượt qua vòng loại World Cup sau đây 4 năm.