Bóng đá Đông Nam Á trên đà đi xuống

235

6 thất bại liên tiếp của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup là điểm nhấn buồn của bóng đá Đông Nam Á trên hành trình tiến ra biển lớn.

Asian Cup 2019 có thể xem là đỉnh cao gần nhất của bóng đá Đông Nam Á khi 3 đội tuyển của khu vực này cùng góp mặt, Thái Lan vượt qua vòng bảng còn tuyển Việt Nam vào tới tứ kết và chỉ thua sát nút Nhật Bản.

Nhưng đó cũng là dấu son cuối cùng của Đông Nam Á trên bản đồ châu lục những năm qua.

Thất bại của tuyển Việt Nam là lần thứ hai liên tiếp, một đội Đông Nam Á bất lực tại vòng loại thứ ba World Cup. Ảnh: Việt Linh.

6 thất bại liên tiếp của tuyển Việt Nam là lần thứ hai liên tiếp, Đông Nam Á bất lực ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Trước đó, tuyển Thái Lan cũng chỉ có một trận hòa sau 6 trận đầu vòng loại thứ ba World Cup 2018. 0 điểm cho Việt Nam và 1 điểm cho Thái Lan là bằng chứng cho thấy khoảng cách mênh mông giữa khu vực và châu lục khi đội tuyển mạnh nhất Đông Nam Á vẫn chỉ là chiếu dưới tại châu Á.

Ở cấp độ U23, điều đó cũng được thể hiện. U23 Malaysia vào tứ kết còn Việt Nam đi tới chung kết giải châu Á 2018. Nhưng tới giải năm 2020, Việt Nam bị loại từ vòng bảng còn chủ nhà Thái Lan cũng dừng lại tại tứ kết.

Ở cấp U19, khác biệt còn rõ ràng hơn. Đông Nam Á có đại diện dự World Cup trẻ sau cả hai giải đấu năm 2014 và 2016. Nhưng tới 2018, U19 Indonesia và Thái Lan chỉ vượt qua được vòng bảng.

Sau Thái Lan và Việt Nam, chưa đội tuyển Đông Nam Á nào cho thấy hy vọng cạnh tranh vé dự vòng loại ba World Cup 2026. Bản thân tuyển Việt Nam đã bộc lộ hàng loạt hạn chế trong khi Thái Lan cũng bước qua thời kỳ đỉnh cao. Khi những trụ cột hiện tại cộng thêm 5 tuổi, khả năng tuyển Việt Nam hay Thái Lan trở lại được vòng loại ba vẫn còn là dấu hỏi.

Khi những ngôi sao hiện tại đang bước tới giới hạn phong độ, lứa kế cận của bóng đá Đông Nam Á lại mang tới nhiều băn khoăn.

Vòng loại U23 châu Á 2022 vừa chứng kiến nỗi thất vọng của hàng loạt ông lớn khu vực. U23 Việt Nam chật vật đi tiếp nhờ hai chiến thắng tối thiểu trước Myanmar cùng Đài Loan (Trung Quốc). Thái Lan phải nhờ “ân huệ” từ đối thủ Lào để có vé. Malaysia là đội duy nhất thể hiện ấn tượng, nhưng họ có lẽ không phải hy vọng của khu vực tại châu lục.

Quan trọng hơn, bóng đá Đông Nam Á chưa giới thiệu được lứa cầu thủ nào chất lượng sau 1993 của Chanathip Songakrasin hay 1997 của Nguyễn Quang Hải.

Bóng đá Đông Nam Á từng thu hút không ít HLV đẳng cấp trong quá khứ. Ảnh: Minh Chiến.

Đà đi xuống của bóng đá Đông Nam Á còn được thể hiện rõ ở hai khía cạnh: HLV và xuất khẩu cầu thủ.

Quyết định sa thải Akira Nishino khiến Đông Nam Á chỉ còn một HLV ở trình độ World Cup là ông Shin Tae-yong của Indonesia. Ông Park Hang-seo mới dự Cúp thế giới với tư cách trợ lý trong khi Alexandre Polking (Thái Lan), Tan Cheng Hoe (Malaysia) hay Antoine Hey (Myanmar) đều chỉ ở trình độ khu vực.

Ở khía cạnh xuất khẩu cầu thủ, đội đang giữ ngôi vô địch Đông Nam Á Việt Nam chỉ còn một mình thủ thành Đặng Văn Lâm và anh cũng phải ngồi dự bị tại Cerezo Osaka. Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường đều đã thất bại và về nước. Thái Lan cũng ở tình cảnh tương tự khi Thitiphan Puangchan, Teerasil Dangda về nước còn Kawin Thamsatchanan không được gọi lên tuyển nữa.

4 chiến thắng liên tiếp của tuyển UAE trước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam hồi tháng 6 là minh chứng cho tất cả những điều trên. Tổng tỷ số sau 4 trận ấy là 15-3 nghiêng về đại diện Tây Á.

Cách biệt mênh mông ấy có lẽ chính là khoảng cách hiện tại của bóng đá Đông Nam Á với châu Á.