Tại sao ông Park lại nổi tiếng nhiều thế?

180

Mấy năm trước, mạng xã hội dậy sóng vì một câu trong bài trả lời phỏng vấn của ca sĩ Sơn Tùng MT-P, đại ý là: Muốn ngồi ở chỗ không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được.

“Tại sao tên mình lại xuất hiện ở đó, trong bài báo đó, lại là phần tít nữa… Họ không hiểu rõ về mình và để lại trong đầu những hình ảnh không được đẹp về mình. Đã có thời gian mình đập phá trong căn phòng (vì những chuyện như thế). Nhưng cho đến giờ, mình đã quen với điều đó”, Sơn Tùng giải thích về cách anh đối mặt với những thị phi.

Có lẽ phải sau đó một thời gian, chúng ta mới thật sự hiểu cảm giác của Sơn Tùng. Chuyện anh chia tay mối tình 8 năm Thiều Bảo Trâm và sau đó yêu Hải Tú bị soi dưới kính hiển vi, và tệ hơn, chịu phán xét nặng nề. Vào đầu năm nay, các paparazzi của một tờ báo dành cho giới trẻ nổi tiếng còn đi săn hình ảnh Sơn Tùng Hải Tú “cãi nhau – đẩy người, hất chân, xuống xe, vào nhà!” (nguyên văn). Họ không thể yêu như những người bình thường. Họ không có quyền riêng tư, không được bộc lộ hết cảm xúc, và thậm chí không thể giận dỗi nhau một cách… suôn sẻ được.

Có một thuật ngữ xuất hiện vào đầu thế kỷ mổ xẻ bản chất của sự tréo ngoe này: Kinh tế sức chú ý (attention economy). Lý thuyết này cho rằng trong thời đại số hóa và kết nối dễ dàng như hiện tại, thông tin trở nên quá dư thừa, dẫn đến sự khan hiếm sức chú ý. Ví dụ nếu hai cốc cà phê có chất lượng giống hệt nhau, thì thương hiệu nào được quảng cáo tốt hơn sẽ có giá cao hơn trên thị trường. Những năm 2000, tác phẩm Harry Potter đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu, với số ấn bản nhiều nhất mọi thời đại, vượt qua mọi cuốn sách lỗi lạc đông tây kim cổ trước đó. Đơn giản vì mọi trẻ em trên toàn thế giới đã bị thu hút không chỉ bởi chất lượng cuốn sách, mà còn từ hiệu ứng truyền miệng về nó.

Sức chú ý tạo ra tiền và quyền lực, nhưng mặt trái của nó là sự quan tâm quá mức. Sơn Tùng hiểu rất rõ chuyện này: Sự phiền toái anh gặp phải không từ trên trời rơi xuống, mà đến từ chính danh vọng anh đang có. Mọi nghệ sĩ trẻ có lẽ đều ước ao về vị trí của Sơn Tùng, nhưng thay vì tô hồng thêm ước mơ ấy như nhiều người, anh nói về một thứ ít ai để ý: Sự đánh đổi. Anh phải đánh đổi nhiều thứ của một người bình thường, để sống như một nam châm thu hút phi thường.

Sau AFF Cup 2018, áp lực chiến thắng lên vai HLV Park Hang Seo càng ngày càng lớn

Tất nhiên là không phải ai cũng chịu đựng nổi chuyện ấy. Trong buổi họp báo mới nhất, HLV Park Hang Seo, có thể xem như nhà cầm quân ngoại quốc thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đã nói thẳng với các phóng viên đặt câu hỏi với ông: “Sao các anh nói nhiều thế?”. Tiện thể, ông cũng nói luôn điều mình ấm ức trong lòng: “Nếu thua, báo chí các anh sẽ đánh tôi tơi bời”.

Trong một buổi họp mà chức năng chính của các bên tham gia là hỏi – đáp, thì việc ông Park phàn nàn về chuyện… nói chỉ chứng tỏ ông đang khó ở trong người đến thế nào. Đến đây thì Sơn Tùng đúng quá rồi: Chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam không hề dễ ngồi, vì nó không chỉ tạo ra sức ép và sự căng thẳng trong trận đấu. Ông Park sống với những điều khó chịu ấy 24/24, từ lúc dùng bữa, cho đến khi lên giường đi ngủ. Và rồi ông ngồi đây, dù bực bội đến thế nào, vẫn phải bình tĩnh trả lời những chất vấn từ truyền thông, về những lựa chọn của mình.

Nhưng những điều này cũng không từ trên trời rơi xuống. Sau kỳ tích ở Thường Châu, báo chí Hàn Quốc từng thống kê về thu nhập từ các hoạt động quảng cáo của ông Park, và các con số là rất ấn tượng: Với mỗi hợp đồng quảng cáo kéo dài 6 tháng, ông kiếm khoảng 300 triệu won (gần 6 tỉ đồng), còn hợp đồng một năm có thể thu về gần gấp đôi con số kia. Chỉ trong vài năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông đã gặt hái vật chất lẫn tinh thần có lẽ là nhiều bậc nhất trong sự nghiệp của mình. Hôm nay, ông ngồi đây và phải toát mồ hôi vì các câu hỏi của phóng viên, cũng bởi đội tuyển quốc gia và một phần của nó là ông đang được quan tâm nhiều hơn ai hết.

Ngay sau kỳ tích Thường Châu, trong một bài trả lời tờ Chosun của Hàn Quốc, ông Park đã nói về sự vô thường của danh vọng: “Kể cả khi mọi thứ đang tốt đẹp đến đâu, một ngày nào đó bạn vẫn có thể phải xuống địa ngục. Đó là cuộc đời của một HLV bóng đá, khi thắng bại được định đoạt sau 90 phút. Tôi chỉ đang cố sống một đời bình thường, vì tôi hiểu danh vọng mong manh như làn khói”.

Nhưng dù mong manh, thì đấy vẫn là một làn khói mà bất kỳ HLV hay cầu thủ nào cũng muốn giữ nó lại bên mình. Khi nó biến mất, thì rất có thể khoảnh khắc khó chịu ngày hôm nay của ông Park lại trở thành một kỷ niệm dễ chịu. Cái giá của sự nổi tiếng vẫn tốt hơn là sự lãng quên.