Không khí trước Đại hội VFF khóa IX khá yên ả dù chẳng ai nói trước được những gì sẽ xảy ra trong 2 tháng tới. Nguyên nhân đến từ ghế Chủ tịch hiện không có nhiều ứng cử viên trong khi Chủ tịch tạm quyền là ông Trần Quốc Tuấn lại thừa kinh nghiệm.
1. Thật ra, theo thời gian, vai trò của những tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF rồi cũng sẽ giảm dần, đặc biệt là trong thể thao chuyên nghiệp. Với bóng đá Việt Nam, khi đa số các CLB chuyên nghiệp đang được vận hành theo mô hình công ty hoặc quyền sở hữu cá nhân, chủ yếu xoay quanh những đơn vị tổ chức giải như Công ty VPF thì chức năng quản lý của VFF chỉ còn mang tính chất gián tiếp (cấp phép, hậu kiểm, chứng nhận tiêu chuẩn thi đấu quốc tế…).
Mặc dù là “xương sống” của nền bóng đá nhưng các CLB không còn hứng thú cử đại diện để tham gia Ban chấp hành VFF, vì về cơ bản, các quyền lợi của CLB không liên quan nhiều đến VFF.
Còn nhớ ở Đại hội nhiệm kỳ V (2005-2008), thời điểm mà ông Trần Quốc Tuấn trở thành Tổng thư ký trẻ nhất lịch sử ở tuổi 35, thì VFF “tràn ngập” các CLB chuyên nghiệp. Thậm chí các ông bầu bóng đá khi đó còn có người sẳn sang bỏ việc để “vác tù và hàng tổng”.
Lúc ấy, Công ty VPF chưa ra đời, bóng đá chuyên nghiệp mới bắt đầu và các doanh nghiệp khá hào hứng đóng góp cho bóng đá nước nhà. Đại hội V có đến 37 người được bầu vào Ban chấp hành, một con số quá lớn so với dự kiến chỉ 17 người tại Đại hội IX sắp đến.
Khi các thành phần tham gia VFF không còn “nặng ký” thì đương nhiên sẽ chẳng cần đến một nhân vật có vai vế lớn để ngồi ghế Chủ tịch. Nói cách khác, VFF đang cần người quen việc hơn là một ứng viên có bảng lý lịch “khủng”.
Do đặc thù của bóng đá Việt Nam, cho dù các CLB ngày càng độc lập, thì sự quan tâm của công chúng vẫn dành phần lớn cho đội tuyển quốc gia vốn thuộc phần quản lý trực tiếp của VFF.
Chính vì điều này mà vai trò của VFF vẫn còn khá quan trọng. Đơn cử như việc VFF hiện đang phải vận hành các đợt tập trung dài hạn cho các đội U17, U19 quốc gia nhằm phát triển tuyến kế thừa cho đội tuyển do hệ thống thi đấu trẻ cấp CLB hiện khá yếu.
Thậm chí, chính VFF còn tổ chức tuyển sinh đội tuyển U19 của bóng đá nữ. Cũng vì phải lo cho nhiều đội tuyển nên vị trí Phó Chủ tịch tài chính đang được xem là cần thiết nhất.
2. Nhưng nhiệm vụ của VFF vốn dĩ không phải là kiếm tiền. Ở đâu cũng vậy, hoạt động của Liên đoàn dựa trên sự đóng góp của các thành viên. Thành viên vừa mạnh, vừa giàu thì Liên đoàn cũng sẽ như vậy. Thế nên, bộ máy Liên đoàn cần những người có quan hệ rộng, uy tín cá nhân cao và am hiểu về bóng đá.
Trong nhiệm kỳ VIII sắp sửa mãn nhiệm của VFF, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công. Ảnh: Hoàng Linh
Đó là lý do mà giới quan sát tin rằng bộ máy của VFF nhiệm kỳ IX sẽ không có nhiều biến động so với nhiệm kỳ VIII. Thực tế thì từ nhiệm kỳ VII đến nay, ngoài một số thay đổi ở các vị trí lãnh đạo, thì các nhân sự ở cấp quản lý, điều hành đều khá quen thuộc.
Những người như ông Trần Quốc Tuấn hay Trần Anh Tú, Lê Hoài Anh … đều có thâm niên nhiều nhiệm kỳ. Việc vì thế mà “trôi” đi nhanh chóng và phải chăng nhờ vậy mà bóng đá Việt Nam cũng đạt được những đỉnh cao khó tin trong suốt 5 năm qua.
Công lao và tài năng của HLV Park Hang Seo là một chuyện, nhưng với những ai biết về lịch sử đầy sóng gió của VFF thì cũng hiểu, nếu VFF mà không đoàn kết thì có giỏi đến mấy HLV Park Hang Seo cũng chẳng thành công rực rỡ mà trụ lâu cho đến tận bây giờ.
Ông Park cũng là một phần nổi trội của một tập thể thành công. VFF khóa VIII là một trong những nhiệm kỳ ít điều tiếng nhất và lại có thành công vang dội nhất. Có thể họ đã may mắn khi thụ hưởng những gì mà các nhiệm kỳ trước đã gây dựng, nhưng cũng có thể chính họ đã biết sửa chữa các sai lầm của những bộ máy tiền nhiệm để khiến mọi thứ tốt đẹp hơn.
3. Người đứng đầu VFF hiện tại là ông Trần Quốc Tuấn hoàn toàn không “đủ chuẩn” nếu như xét các tiêu chí dành cho vị trí Chủ tịch của các khóa trước. Ông Tuấn gần như chỉ làm việc tại VFF từ năm 2005 đến nay. Ông không có chức vụ Nhà nước nào đáng kể, cũng không phải doanh nhân và hầu như không xuất hiện quá nhiều trên truyền thông. Tất nhiên có thể đây sẽ chỉ là góc nhìn của những “lão làng” bóng đá của thế hệ trước kia.
Nhưng vấn đề là chẳng ai có thể giải thích vì sao VFF cần một ông Chủ tịch theo các tiêu chí trước đây (như quan chức chính trị hay doanh nhân tầm cỡ). Như đã nói, vai trò của VFF trong tương lai không còn nhiều quyền lực.
Sự lớn mạnh của các CLB là tất yếu, việc của VFF là phải thúc đẩy và trao nhiều quyền hành hơn cho các CLB chứ không phải cố ôm đồm nhiều quyền hành. Nói cách khác, mục đích thay đổi thì các tiêu chí về nhân sự cũng phải thay đổi.
Ở nhiệm kỳ VIII vừa qua, chỉ tại vị trí Phó Chủ tịch tài chính thôi mà cũng đã lộn xộn mất hơn nửa năm, cũng chỉ vì các loại tiêu chí ấu trĩ. Thay vì bầu một doanh nhân hay người giỏi kiếm tiền, vị trí Phó Chủ tịch tài chính lại rơi vào tay ông Cấn Văn Nghĩa, người đang gặp vấn đề lliên quan đến thuế trong thời gian quản lý Khu liên hợp Mỹ Đình.
Sau khi ông Nghĩa từ nhiệm, người ta lại bầu ông Lê Văn Thành, người đang làm chủ một Công ty chuyên về sản xuất đồ thể thao, tức là không quen với việc đi vận động tài chính. Nếu cứ căn cứ vào các tiêu chí cũ, dựa vào danh tiếng hay tuổi tác, thì VFF sẽ quay ngược lại tiến trình thay đổi của mình.
VFF hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng quan trọng là họ đang làm được việc và có sự ổn định đáng kinh ngạc so với các bộ máy tiền nhiệm. Những người như ông Trần Quốc Tuấn hay Trần Anh Tú thực sự là lựa chọn tối ưu ở thời điểm hiện tại. Họ đang tạo ra một số tiêu chuẩn mới cho VFF trong tương lai, và điều đó cần nên ghi nhận.
Bóng đá Việt Nam đang ở trong thời điểm khá nhạy cảm. Chu kỳ thành công do HLV Park Hang Seo tạo ra sẽ kết thúc, sớm hay muộn mà thôi.
VFF nhiệm kỳ mới cần những con người có thể đối diện với những biến cố của thời “hậu Park Hang Seo”, tránh tình trạng đổ lỗi, mất đoàn kết sẽ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ. Tốt nhất, vẫn là những người quen việc và … một Ban chấp hành càng trẻ càng tốt.