Về hai chữ “P” và 2 chữ “C” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

250

Mục tiêu đặt ra cho kinh tế Việt Nam hôm nay không chỉ là phục hồi mà còn phải phát triển bởi so với nhiều quốc gia, chúng ta vẫn còn nghèo, tổng thu nhập chưa phải là cao…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021- Phục hồi và phát triển bền vững (Ảnh: Quốc Chính).

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến 2 chữ “P” và 2 chữ “C”, đó là “phục hồi, phát triển” và “chính sách, cuộc sống”.

Về phục hồi và phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tác động của dịch bệnh, theo dự kiến “kinh tế cả năm 2021 tăng trưởng dương khá tốt nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu của Nghị quyết mà Đảng và Quốc hội đặt ra, ảnh hưởng đến mục tiêu 5 năm tới”.

Có thể dễ dàng nhận thấy, đây là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế nước nhà kể từ nhiều năm qua. Việc phục hồi kinh tế sau thời gian dài giãn cách, phong tỏa dẫn đến gián đoạn chuỗi sản xuất là bài toán không dễ, nhất là khi virud corona vẫn tiếp tục biến chủng và ngày càng tỏ ra nguy hiểm.

Song, do yêu cầu của cuộc sống, mục tiêu đặt ra cho kinh tế Việt Nam hôm nay không chỉ là phục hồi mà còn phải phát triển bởi so với nhiều quốc gia, chúng ta vẫn còn nghèo, tổng thu nhập chưa phải là cao.

Vậy trong tình hình hiện nay, làm thế nào để phục hồi và phát triển? Đây là câu hỏi không dễ được đặt ra tại diễn đàn này.

Theo Chủ tịch QH, diễn đàn là cơ hội để hiến kế các giải pháp xây dựng gói hỗ trợ, với quy mô và liều lượng phù hợp, mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Qua đó, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

“Đây là diễn đàn 2 chữ “P” – “Phục hồi và Phát triển”, phát triển không phải bằng mọi giá mà phải xem xét cả các kế hoạch trước mắt nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”. Ông Huệ nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt yêu cầu: “Tăng cường năng lực hấp thụ nền kinh tế, đưa vốn vào đâu cho hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm”.

Đối với 2 chữ “C” – chính sách và cuộc sống, diễn đàn dành hẳn chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”. Tại đây, Chủ tịch Vương Đình Huệ khẳng định: “nếu những chính sách vĩ mô ta quyết định không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống sẽ không hiệu quả; thực tiễn không phản ánh vào chính sách thì sẽ không trôi chảy”.

Nhìn lại gần một năm qua của nhiệm kỳ 15 Quốc hội, không khó để nhận thấy 2 vấn đề đang được Quốc hội đặt làm trọng tâm. Đó là tăng cường chức năng giám sát và tập trung cao độ cho phát triển kinh tế cũng như công tác an sinh xã hội.

Việc chọn 3/4 Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn (Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Lao động Thương binh Xã hội) thuộc các lĩnh vực này là trọng tâm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua là một minh chứng cho quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Có một điều thú vị, đó là trong ba nhiệm kỳ liên tiếp (Quốc hội XIII, XIV, XV) những vị đứng đầu của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đều là những người đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực kinh tế. Điều đó cho thấy phát triển kinh tế luôn được coi là một trong những lĩnh vực then chốt của Nhà nước Việt Nam nhiều năm qua.

Trở lại diễn đàn trên, có thể nói tinh thần của “công thức” “2P+2C” sẽ là cơ sở để có những chính sách hợp lý, giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.