Thứ trưởng Bộ Giáo dục lý giải điểm chuẩn tăng vọt

168

Chiều qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn có cuộc trao đổi với báo chí liên quan vấn đề điểm chuẩn năm nay. Theo ông, điểm chuẩn một số ngành tăng do nhiều nguyên nhân

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

Ông Sơn phân tích, số thí sinh dự thi tăng hơn 11% so với năm 2020; số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng 24%.Trong khi đó, tổng chỉ tiêu chỉ tăng 10.000, chưa đến 2% so với năm trước, và chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT của các trường giữ ổn định.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên chỉ chiếm 5%. Điểm chuẩn các trường tốp trên không tăng nhiều, nhưng điểm chuẩn các trường tốp giữa tăng vọt. Như vậy, việc tăng điểm chuẩn này là bình thường.

Một nguyên nhân quan trọng khác là xu hướng chọn ngành. Tâm lý lựa chọn ngành trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay được thí sinh cân nhắc rất kỹ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, những ngành, khối ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên là nhóm ngành kỹ thuật công nghệ với 70 mã ngành, tiếp đến là nhóm ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên với 64 mã ngành. Đây là hai khối ngành chiếm một nửa số ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên so với năm 2020. Sau đó mới đến kinh tế, xã hội nhân văn.

Bên cạnh đó, phổ điểm thi tốt nghiệp năm nay một số môn tăng, trong đó có môn tiếng Anh, đã góp phần tăng điểm chuẩn của các trường.

Theo ông Sơn, những thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1 năm nay vẫn còn cơ hội ở những đợt tuyển sinh bổ sung tiếp theo. Dù vậy, ông khẳng định, xét tuyển ĐH là câu chuyện cạnh tranh. Bộ GD&ĐT đã đưa ra mô hình mà ở đó, thí sinh có thể lựa chọn xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường nên cơ hội nằm trong tay các em.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng lộ trình để kỳ thi tốt nghiệp THPT đi vào thực chất hơn, các trường tự chủ hơn trong tuyển sinh. Chủ trương này từng bước được đưa vào thực tế bằng việc một số trường đã xây dựng phương án xét tuyển khác nhau với các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nhưng từ năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, các trường không tổ chức được kỳ thi riêng.

Năm tới, tùy tình hình thực tế, Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo để các trường tăng cường tự chủ như các trường liên kết với nhau tổ chức kỳ thi riêng bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng quan điểm chung là không tạo áp lực, thí sinh không phải dự thi hay đi lại nhiều lần, không tạo ra những thay đổi đột biến so với hiện tại mà vẫn chọn được đầu vào như mong muốn.