Hạn chế dạy học trực tuyến đối với lớp 1

244

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói rằng, các địa phương linh động, tính toán để học sinh lớp 1 tận dụng thời gian vàng được học trên lớp.

 

Học sinh lớp 1 khó có thể học trực tuyến

Trường chờ hướng dẫn

Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình khung thời gian năm học mới 2021-2022, trong đó cho phép học sinh lớp 1 tựu trường từ ngày 23/8. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số địa phương quyết định cho học sinh bước vào năm học mới đúng ngày như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Ninh Bình…

Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên dạy lớp 1, hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội khẳng định, nếu năm học mới buộc phải dạy học trực tuyến thì chỉ có khối lớp 3 trở lên có thể thực hiện được. Ở độ tuổi đó, học sinh đã cơ bản biết thao tác máy tính.

Còn học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ gặp nhiều khó khăn. Với các em lớp 1 mới từ mẫu giáo lên tiểu học, thông thường cần có 1-2 tuần làm quen trực tiếp với cô giáo, nề nếp lớp học cũng như thói quen sinh hoạt ở trường trước khi vào năm học mới.

Những tuần đầu tiên, giáo viên dạy lớp 1 phải cầm tay nắn chữ cho từng em, do đó việc học online đối với đối tượng này rất khó khả thi. “Nếu bố trí lịch học buổi tối để có phụ huynh ngồi cạnh hỗ trợ thì thời gian học cũng phải rút ngắn vì độ tuổi này các con chưa thể tập trung được lâu.

Việc hướng dẫn phát âm, viết chữ trực tuyến không khác nào các con mở kênh YouTube ra học”, một hiệu trưởng nói. Do đó, hiệu trưởng nhiều trường tiểu học nói rằng, dù đã chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến cho năm học mới, nhưng riêng lớp 1 phải chờ Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng dẫn cụ thể.

Hà Nội, TPHCM và các địa phương khác có dịch COVID-19 vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc khai giảng năm học mới.

Đảm bảo học sinh lớp 1 được tựu trường

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học – Bộ GD&ĐT, nói rằng, năm nay Bộ GD&ĐT đã có tính toán, ưu tiên cho học sinh lớp 1 và học sinh nội trú tựu trường từ 23/8 để có thời gian làm quen với trường, lớp. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, kế hoạch này khó khả thi đối với một số địa phương.

Ông Tài khẳng định, học sinh lớp 1 là đối tượng đặc biệt khi vừa chuyển từ bậc mầm non lên tiểu học, nên phải đặt quyền lợi học sinh và chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Các địa phương cần căn cứ tình hình dịch bệnh để tính toán phân khu, phân luồng đảm bảo học sinh lớp 1 được tựu trường, tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp, hạn chế học trực tuyến.

Khi linh động hết thời gian cho phép, địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế đến từng huyện, từng trường, không nhất thiết phải thực hiện việc tựu trường cùng lúc trên toàn tỉnh. “Trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh căng thẳng kéo dài, địa phương có thể báo cáo với Bộ GD&ĐT về phương án phù hợp, trong đó lớp 1 sẽ được tạo điều kiện ưu tiên”, ông nói.

Ông Tài nói thêm, các địa phương nếu buộc phải dạy học trực tuyến, nhà trường, giáo viên cần chọn hình thức phù hợp tâm lý lứa tuổi, điều kiện, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Điều này nhằm giúp các em bước đầu làm quen quá trình học tập, hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng một cách máy móc.

Nhiều trường học được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung hoặc nơi xét nghiệm, tiêm vắc-xin COVID-19. Ảnh: Duy Phạm