Cấp dưới của cựu Đại tá Phùng Anh Lê: “Sếp đã chỉ đạo phải nghe thôi, quận này của sếp cả”

475

Cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) bị cáo buộc giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi cho kẻ phạm tội hòa giải với bị hại và tha người trái pháp luật.

Cựu Đại tá Lê ép cấp dưới thả người trái luật

Cơ quan Cảnh sát điều tra Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố cựu Đại tá Phùng Anh Lê (cựu Trưởng phòng Kinh tế Công an TP Hà Nội, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ),, Nguyễn Đức Châu (49 tuổi, cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự quận Tây Hồ), Vũ Công Ngọc (42 tuổi, cựu Đội phó Cảnh sát hình sự quận Tây Hồ) và Lê Đình Chung (45 tuổi, cựu Đội phó Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Tất cả đều bị đề nghị truy tố cùng về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.

Sai phạm của ông Phùng Anh Lê khi còn giữ chức Trưởng Công an quận Tây Hồ.

Theo kết luận, ngày 19/6/2016, anh Nguyễn Công T, 32 tuổi, đến trụ sở công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, tố giác bị một nhóm người bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích. Sự việc được cán bộ ghi lại vào sổ trực ban và báo cáo ông Dương Hồng Kết, Trưởng công an phường.

Ông Kết gọi điện báo cáo Trưởng quận Lê và Phó trưởng công an quận Phạm Quý Hải về vụ việc có dấu hiệu phạm tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cố ý gây thương tích. Đội cảnh sát hình sự sau đó được giao nhiệm vụ xác minh nên cử cán bộ đến Công an phường Yên Phụ.

Đội hình sự xác định Nguyễn Hữu Tài, 29 tuổi, cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội. Ba ngày sau, Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú. Khi xác minh, điều tra viên đội hình sự thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội nên đề xuất tạm giữ để điều tra và bắt các nghi phạm liên quan.

Đội phó hình sự Vũ Công Ngọc đồng ý với đề xuất và gọi điện báo cáo Đội trưởng Châu rồi mang hồ sơ đến nhà riêng của ông Hải. Tại đây, ông Hải ký duyệt đề xuất và ký quyết định tạm giữ nghi phạm Tài về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Tối 22/9/2016, Tài bị đưa vào nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ.

Từ lúc Tài đi đầu thú, vợ và bố vợ anh ta đã nhờ người quen tìm mối quan hệ tại Công an quận Tây Hồ nhờ giúp đỡ.

Qua mối quan hệ trung gian, Phùng Văn Bảy, thời điểm đó đang sửa phòng làm việc cho ông Lê, đã ngỏ lời nhờ. Ông Bảy sau đó được ông Lê thông báo gia đình Tài cần chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại.

22h ngày 22/9/2016, Bảy cầm 110 triệu đồng của người nhà Tài đến phòng đưa cho ông Lê, đặt lên bàn làm việc và nhờ giúp hòa giải. Sau khi nhận tiền, ông Lê gọi điện thoại cho thuộc cấp yêu cầu mang tài liệu đến xem xét.

Khoảng 23h, đọc xong hồ sơ, ông Lê cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu và chỉ đạo phải đưa ra khỏi nhà tạm giữ.

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê khi nhận quyết định công tác mới.

Đội phó Ngọc lúc đó cho rằng Tài đang thi hành quyết định tạm giữ nên muốn cho về phải có quyết định hủy bỏ tạm giữ hoặc quyết định trả tự do. Ông Lê nói “không quan tâm” và vẫn chỉ đạo Ngọc tiếp tục thực hiện theo “lệnh”, kết luận của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao nêu.

Khoảng 0h30 ngày 23/9/2016, Ngọc cùng một số cán bộ đội hình sự đến đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ. Vì Ngọc không có quyết định hủy bỏ tạm giữ, Lê Đình Trung, người phụ trách ca trực hôm đó, đã trao đổi qua điện thoại với ông Lê.

Nói chuyện xong với ông Lê qua điện thoại, Trung đề xuất Ngọc cần trao đổi thêm với phó trưởng công an quận phụ trách lĩnh vực hỗ trợ tư pháp và cấp trên của Trung.

Sau khi báo cáo lòng vòng nhiều cấp qua điện thoại, Trung nhận được chỉ đạo của cấp trên: “Sếp đã chỉ đạo thì phải nghe thôi, quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được”. Ngay trong đêm, Tài được cho về.

Cán bộ đội hình sự những ngày sau đó nhiều lần đề xuất lãnh đạo đội để xin ý kiến ông Lê tiếp tục xác minh. Tuy nhiên, ông Châu cho biết ông Lê không đồng ý cho làm, nhiều cán bộ cũng bị trưởng quận “gạt” ra khỏi sự việc. Ông Châu khai, ông Lê còn chỉ đạo “cho chúng nó hòa giải, rút đơn”.

Sau hai lần hòa giải tại Công an quận Tây Hồ, nghi phạm Tài và bị hại T mới thống nhất được quan điểm. Theo đó, Tài phải bồi thường 15 triệu đồng và sửa màn hình điện thoại cho Thành.

Điều tra viên lúc đó không lập biên bản về việc hòa giải này vì cho rằng hành vi bắt giữ người trái pháp luật không thuộc nhóm tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Sự việc đi vào im lặng từ đó.

Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Tài cùng đồng bọn về tội “Cướp tài sản”. Sai phạm của ông Lê cùng thuộc cấp dần bị phanh phui.

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê là chủ mưu

Quá trình điều tra, VKSND Tối cao cho rằng, cựu Đại tá Lê không khai nhận hành vi và đổ lỗi. Ba bị can còn lại thành khẩn.

Tuy nhiên, lời khai của các bị can và những người liên quan khác “đủ cơ sở khẳng định, cựu Đại tá Lê đã phạm vào tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ”.

Theo kết luận, ông Lê là chủ mưu, các bị can Châu, Ngọc và Trung giữ vai trò đồng phạm giúp sức. Các bị can đều là điều tra viên được đào tạo cơ bản, hiểu rõ quy định pháp luật nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và thiếu bản lĩnh dẫn đến phạm tội.

Trong vụ án này còn lời khai về việc người nhà Tài đưa 110 triệu đồng cho ông Phùng Anh Lê để giúp hòa giải với bị hại. Do ông Lê không thừa nhận, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tách hành vi có dấu hiệu “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Môi giới hối lộ” để tiếp tục làm rõ.

Với những người liên quan khác như ông Hải cùng một số cán bộ Công an quận Tây Hồ, Cơ quan điều tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cũng quyết định tách vụ án hình sự về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” để điều tra thành vụ án khác.