Đề thi của các bài thi ngữ văn, toán bám sát chuẩn đầu ra của chương trình và nội dung dạy học
Ngày 6-8, hơn 11.000 thí sinh (TS) của 38 tỉnh, thành đã hoàn thành ngày thi đầu tiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số TS đăng ký môn ngữ văn là 11.446, số dự thi là 11.283 TS, đạt tỉ lệ 98,58%. Ở môn toán, có 11.483 TS đăng ký, số dự thi là 11.304, đạt tỉ lệ 98,44%. Bộ GD-ĐT nhận định các buổi thi ngữ văn và toán diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Bộ GD-ĐT cho hay theo đánh giá ban đầu của TS, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi của các bài thi ngữ văn, toán bám sát chuẩn đầu ra của chương trình và nội dung dạy học đã tinh giản, có độ phân hóa phù hợp và bảo đảm tương đương với đề thi đợt 1 của kỳ thi. Thầy Phạm Hữu Cường, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI (Hà Nội) nhận xét đề thi môn ngữ văn đợt 2 năm 2021 có khả năng đánh giá được năng lực người học, thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá. Tuy ít câu hỏi mở, khả năng phân loại TS chưa cao nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. “Ngữ liệu đọc hiểu tương đối hay và có tính thời sự, đề cập mối quan tâm chung của nhân loại. Trong đề thi các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa” – thầy Phạm Hữu Cường nói.
Câu nghị luận xã hội cũng được đánh giá là không khó và khá quen thuộc, ít có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài nên việc đạt được 1,5/2 điểm cũng là trong tầm tay.
Đánh giá câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) của đề thi, thầy Phạm Hữu Cường nói đây là câu có nhiều “chất văn” hơn cả, có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của TS. Ở câu này, yêu cầu “nhận xét về cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ” giúp phân hóa trình độ thí sinh. Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu mà học sinh đạt được sẽ vào khoảng 7-8 điểm.
Thầy Nguyễn Văn Tráng, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đánh giá so với đợt 1, đề thi đợt 2 vẫn bảo đảm bám sát cấu trúc đã được công bố nhưng có sự điều chỉnh một chút về sự phân bổ nội dung kiến thức giữa 2 học kỳ của lớp 12. Điều này là hợp lý vì vừa không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, vừa bảo đảm sự công bằng cho kỳ thi nói chung. Đề thi bám sát đúng yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp và tình hình ôn tập trong giai đoạn dịch bệnh. Với đề thi này, điểm 8, 9 sẽ tương đối nhiều nhưng số điểm 10 sẽ không cao. Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 7 điểm.
Sáng nay (7-8), TS thi bài thi môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội, chiều cùng ngày, thi môn ngoại ngữ.
Tại điểm thi Trường THPT Lục Ngạn số 1 (tỉnh Bắc Giang), em Lâm Phương Thảo, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện Lục Ngạn quên mang giấy báo dự thi. Sau đó, Thảo được thượng úy công an Nguyễn Văn Quyết đang làm nhiệm vụ tại đây nhanh chóng đưa về nhà lấy giấy tờ để kịp trở lại điểm thi trước thời gian phát đề.