Bộ GD-ĐT đề nghị cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn

258

Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022-2032”.

 Quang cảnh hội nghị về phát triển hệ thống trường chuyên

Ngày 21-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên giai đoạn 2010-2020.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT về triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020” cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường chuẩn năm 2020. Cả nước có 15 trường chuyên trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.

Đáng chú ý, các tỉnh đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên. Từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020 đã tăng lên thành 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Trường chuyên đã tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng thắng thắn thừa nhận, mặc dù mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế. Đơn cử như tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng…

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, hệ thống trường chuyên cần tiếp tục phát huy những thành quả hiện có để đảm bảo các mục tiêu. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên trên cơ sở phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022-2032” nhằm tiếp tục đổi xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.

Bộ GD-ĐT đề nghị quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn, tập trung phát triển 1 trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao. Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh. Trong công tác quy hoạch, ưu tiên diện tích mở rộng cho trường chuyên, đảm bảo trường chuyên đạt chuẩn quốc gia.