Vụ việc hai công chức nhận quà biếu trị giá 55 triệu đồng ở Ðà Nẵng bị phát hiện và xử lý kỷ luật vừa qua đã rung lên tiếng chuông cảnh báo về hiện tượng này. Những món quà mang nặng về giá trị vật chất không phải quà tết đơn thuần, mà thực chất là hối lộ trá hình, hay sự mua bán, trả lễ lãnh đạo cấp trên. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Lê Như Tiến nêu quan điểm về vấn đề này với Tiền Phong.
Ông Lê Như Tiến
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Ban Bí thư vừa ban hành chỉ thị về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, theo đó, nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức. Ông thấy sao về điều này?
Trong nhiều diễn đàn, trong đó có diễn đàn Quốc hội, khi đề cập vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tôi cũng đã từng phát biểu về vấn đề này. Trên thực tế, không ít trường hợp đã nhân dịp lễ, tết, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, hay thăng chức, lên cấp… cứ nườm nượp đến nhà lãnh đạo, cấp trên biếu, tặng quà. Nhưng thực chất, tôi cho đó là một sự hối lộ trá hình được gọi dưới cụm từ mỹ miều là “tặng quà”.
Thông thường, người ta chỉ đến với nhau, chúc mừng, tặng bó hoa, hộp bánh, đó mới thực sự là quà tết. Thậm chí có những người lặn lội từ quê ra mừng thầy thuốc, thầy giáo chỉ bằng một cặp bánh chưng hay một chục trứng. Món quà tuy giản dị nhưng vẫn có nhiều ý nghĩa, rất đáng trân trọng. Còn nhân dịp lễ, tết để tặng những món quà giá trị hàng chục nghìn USD, đó không phải quà mừng đơn thuần mà là hối lộ trá hình, hoặc đó là một sự mua bán, trả lễ lãnh đạo cấp trên.
Việc Ban Bí thư ra chỉ thị như vậy rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay càng cần thiết hơn. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn, dù có những chỉ thị như vậy, nhưng tình trạng biếu tặng quà lãnh đạo cấp trên vẫn còn diễn ra. Vấn đề không phải chúng ta không có những hành lang pháp lý về việc này. Kể cả Luật Phòng chống tham nhũng, hay Luật Cán bộ công chức cũng đã đề phòng vấn đề này, nhưng tôi thấy vẫn chưa có được những giải pháp ngăn chặn quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Hai công chức tại Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TP Ðà Nẵng) bị kỷ luật khiển trách vì nhận quà biếu trị giá 55 triệu đồng
Vì sao tình trạng biếu tặng quà tết lại vẫn diễn ra, dù xã hội lên án?
Khi có chỉ thị cán bộ, cấp dưới… không được đến nhà các lãnh đạo biếu tặng quà tết, họ lại lợi dụng kẽ hở, lách luật bằng cách đến cơ quan với danh nghĩa làm việc, hoặc gặp gỡ ở đâu đó. Mỗi dịp giáp Tết, xe biển xanh, biển trắng vẫn rất nhiều, dưới danh nghĩa đến làm việc nhưng thực chất là biếu quà tết. Còn những gói quà thì càng ngày càng tinh vi hơn, kín đáo hơn. Trước kia, chúng ta thấy người đi biếu quà thường tay xách nách mang, túi lớn túi nhỏ, bây giờ thay vào đó là những phong bì dày cộp, hay bằng cả những va ly tiền.
Xã hội lên án nhưng người ta vẫn cứ làm, bởi có thể đó là những món quà để cảm tạ cấp trên khi đã tạo điều kiện cho lên chức. Cũng có người làm vậy để đón đầu tương lai, hi vọng sẽ được quan tâm, cất nhắc đưa vào diện quy hoạch, lên chức, lên cấp, hay đón đầu những dự án lớn, công trình lớn sang năm mới mở thầu…
Ông thấy sao khi vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã xử lý kỷ luật khiển trách 2 công chức Chi cục Thủy sản nhận quà biếu trị giá 55 triệu đồng?
Có lẽ đó chỉ là những người đã bị phát hiện, rất có thể sẽ còn nhiều người chưa bị lộ, có thể còn rất nhiều, thậm chí họ còn tặng những gói quà lớn hơn nhiều so với số tiền 55 triệu đồng đó. Dù sao thì những trường hợp đó cũng đã rung lên tiếng chuông cảnh báo về hiện tượng như thế, rồi cũng có lúc người đi biếu bị phát hiện, bởi “đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma”.
Một nguyên nhân sâu xa khác, theo tôi, nếu cứ bố trí cán bộ, đề bạt cán bộ theo kiểu coi trọng “5 ệ” (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ, ngoại lệ) trước rồi sau đó mới đến trí tuệ thì những hiện tượng tiêu cực như vậy còn diễn ra. “5 ệ” đó sẽ “hạ gục” ngay trí tuệ. Dư luận không phải không có lý do khi xếp “tiền tệ” lên trên cùng, đó chính là vấn nạn quà biếu đã và đang diễn ra vào mỗi dịp lễ, Tết.
Người đứng đầu vi phạm nên xem xét bãi, miễn nhiệm
Theo ông đâu là những giải pháp căn cơ để giám sát, ngăn chặn hiệu quả tình trạng này?
Rõ ràng chúng ta cần phải có giải pháp để ngăn chặn từ xa. Trước tiên, nếu trong các văn bản pháp quy chưa đầy đủ, chúng ta phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Qua đó, có thể hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thông tư, nghị định của Chính phủ, các bộ, ngành để ngăn chặn. Còn nếu đã đầy đủ rồi mà hiện tượng này vẫn còn xảy ra, thì phải có giải pháp ngăn chặn bằng việc tổ chức thực hiện, trên cơ sở tăng cường thanh tra, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền. Rồi trách nhiệm của người đứng đầu ra sao, bởi người ta đến cũng chủ yếu tặng quà người có chức, có quyền và thường là người đứng đầu, hoặc cấp phó của người đứng đầu.
Đặc biệt, chúng ta cũng coi trọng, phát huy nhiều tai mắt của các cơ quan dân cử là Quốc hội và HĐND các cấp, rồi cơ quan thanh tra của các cơ quan hành pháp, cơ quan kiểm tra của Đảng. Nếu làm tốt, chúng ta hoàn toàn biết được những hiện tượng tiêu cực đó. Nhưng thực tế chúng ta vẫn chưa phát huy được tai mắt của nhân dân, các cán bộ nhân viên nơi họ công tác và nơi cứ trú. Ở nơi cư trú, nhân dân biết hết, nhưng không có cơ chế để phát hiện, phòng ngừa, hay khuyến khích, bảo vệ những người phát hiện ra tiêu cực. Nếu có cơ chế, quy định cụ thể, tôi tin hiện tượng tiêu cực này sẽ giảm đi rất nhiều.
Có ý kiến cho rằng, trong khi việc đấu tranh phát hiện trong nội bộ còn chưa thực sự hiệu quả, điều cần thiết nhất, có lẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, quan điểm của ông ra sao?
Đúng như vậy. Thực chất, việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng nói chung trong nội bộ vẫn còn là khâu yếu. Vì sao vậy? Thực tế, trong một cơ quan, đơn vị, người đứng đầu thường chi phối hết. Cũng có thể người ta biết đấy nhưng lại không dám nói, tố cáo. Bởi nếu làm vậy họ dễ bị trù dập, đe dọa, bị chuyển công tác khác, cũng có thể phải đối mặt với những hành vi trả thù rất tinh vi, thâm độc. Chính vì thế người ta ngại không dám đấu tranh, nêu lên những sai phạm của người đứng đầu.
Với người đứng đầu, đã có những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Do vậy, rất cần phải đề cao trách nhiệm nêu gương, và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan đơn vị, đưa các nghị quyết, chỉ thị đi vào cuộc sống và phải thực hiện rất nghiêm túc. Nếu lãnh đạo, cấp trên mà nghiêm túc thực hiện, thì làm sao cấp dưới có thể biếu, tặng quà vào mỗi dịp lễ, Tết được. Còn nếu họ cứ cố tình làm vậy, vị cán bộ lãnh đạo ấy hoàn toàn có thể nộp lại quà tặng đó.
“Nếu cứ bố trí cán bộ, đề bạt cán bộ theo kiểu coi trọng “5 ệ” (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ, ngoại lệ) trước rồi sau đó mới đến trí tuệ thì những hiện tượng tiêu cực như vậy còn diễn ra. “5 ệ” đó sẽ “hạ gục” ngay trí tuệ. Dư luận không phải không có lý do khi xếp “tiền tệ” lên trên cùng, đó chính là vấn nạn quà biếu đã và đang diễn ra vào mỗi dịp lễ, Tết”.
Ông Lê Như Tiến
Nếu người đứng đầu cố tình vi phạm, thì việc xử lý ra sao mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, thưa ông?
Trong trường hợp nếu người đứng đầu không nêu gương thì phải có giải pháp mạnh hơn với những chế tài thật nghiêm khắc. Như vậy người đứng đầu mới e ngại, còn nếu chỉ có phê bình, kiểm điểm thôi thì chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, nếu như ai vi phạm, phải xử lý thật nghiêm, không chỉ là phê bình, khiển trách, cảnh cáo, mà nên xem xét, áp dụng hình thức cao hơn là đưa họ ra khỏi bộ máy, cho thôi giữ chức vụ, cũng có thể tiến hành bãi nhiệm, miễn nhiệm nếu thấy cần thiết.
Bên cạnh các giải pháp trên, tôi cũng thấy một kênh cung cấp thông tin rất quan trọng đó là kênh báo chí. Thực tế, nhiều vụ việc do báo chí, truyền thông phát hiện chứ không phải do nội bộ hay cấp trên phát hiện. Ngoài tăng cường thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cần phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, của cử tri và nhân dân, cần đặc biệt đề cao tinh thần đấu tranh phát hiện tiêu cực của các cơ quan báo chí.
Cảm ơn ông!