Nằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, Trường Tiểu học Thạch Lâm thuộc vùng 3 còn rất nhiều khó khăn.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thân Thương với học sinh Trường THCS Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng.
Năm 2017, cô Nguyễn Thị Thân Thương ngay sau khi tốt nghiệp trường CĐSP đã vào đây giảng dạy. Đến nay, cô Thương đã vượt qua được những khó khăn buổi ban đầu và “trụ” được ở nơi “rừng thiêng” này.
Khó nhất là vận động học sinh đến trường
Bảo Lâm là địa bàn huyện miền Tây của tỉnh Cao Bằng, giáp với tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Địa hình hiểm trở rất khó khăn, học sinh Trường THCS Thạch Lâm cách trung tâm xã 6km.
Nơi đây chủ yếu là người Mông nên việc giảng dạy với giáo viên trẻ như cô Thương khi mới nhận việc gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Để đến được trường phải đi qua rất nhiều đèo hiểm trở có độ dốc lớn. Những vách núi dựng đứng vào mùa mưa bão thường xảy ra hiện tượng sạt lở rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình đi lại.
Cô giáo Thương chia sẻ: “Ngày mới ra trường tôi vào nhận dạy hợp đồng được một năm, sau đó được vào dạy chính thức. Vừa lập gia đình, tôi đã phải chia tay chồng đến nhận công tác tại trường cách nhà gần 200km. Lúc này muôn vàn khó khăn.
Chồng tôi công tác trong ngành xây dựng nên cũng không hay ở nhà. Hai con nhỏ ở với ông bà nội chăm sóc. Có khi nghe tin con ốm cũng rất khó về vì đường xa. Gặp mùa mưa bão đá lở rất nguy hiểm. Những lúc như vậy tôi rất lo cho con và nhớ gia đình”.
Theo cô Thương, việc khó khăn hơn cả đó là vận động những em học sinh bỏ học quay trở lại trường. Người Mông thường sống ở những đỉnh núi cao. Mùa mưa bão, trời lạnh là học sinh nghỉ học nhiều. Có trường hợp cá biệt mà cô Thương nhớ mãi, đó là một em học sinh lớp 5 đã nghỉ học để lấy chồng bên tỉnh Hà Giang.
Biết chuyện, cô Thương đến vận động gia đình nhiều lần nhưng không có kết quả. Học sinh dân tộc Mông chiếm đa số nên việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, nhất là các em lớp đầu cấp.
Học sinh chưa thuần thục tiếng phổ thông nên phương pháp giảng dạy thông thường không có hiệu quả, các em tiếp thu chậm. Cô Thương đã chủ động tự học thêm tiếng Mông để dễ trao đổi với học sinh hơn.
“Ngày mới nhận việc nhiều bỡ ngỡ lắm, học sinh nói mà giáo viên không hiểu gì. Để gần các em hơn tôi phải học thêm những từ cơ bản thường xuyên dùng trong giao tiếp để có thể giảng dạy. Sau đó tôi động viên học sinh nói tiếng phổ thông thật nhiều để các em dễ tiếp thu lời cô giảng. Hiện, 21 học sinh lớp tôi dạy có nhiều tiến triển. Các em nói tiếng phổ thông lưu loát hơn, việc giảng dạy của giáo viên vì thế cũng thuận lợi”, cô thương nói.
Vì một mái trường chung
Trường THCS Thạch Lâm hiện có hơn 600 học sinh với cơ sở vật chất khá khang trang. Trường có 8 phân trường nhỏ nằm ở các thôn bản, tạo điều kiện cho học sinh không phải đi quá xa nhà. Qua kiên trì đến nhà tuyên truyền, vận động cho phụ huynh, tỷ lệ chuyên cần của học sinh đạt cao.
Các em biết giữ gìn vệ sinh cá nhân hơn và nắm được các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, tránh dịch bệnh. Ngoài việc giảng dạy, cô giáo Thương cũng thường vận động kết nối những nhà hảo tâm thực hiện quyên góp quần áo ấm mùa đông, sách, bút, vở… để hỗ trợ học sinh trong trường.
Cô Thương cũng kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, thực phẩm để cải thiện bữa ăn trưa cho học sinh. Đó là những điều vô cùng bình dị mà giàu tình cảm, như tiếp thêm động lực để học sinh khó khăn không bị gián đoạn học tập.
Ngoài công tác chuyên môn, cô Thương còn là Công đoàn viên năng nổ. Trong các hoạt động của trường, cô đều tham gia tích cực và mang lại nhiều hiệu quả công tác. Vì thế, cô Thương được bà con trong bản gọi tên hết sức thân thương: “Cô giáo của bản”.