Bắt buộc thi “nghe, đọc, viết” trên máy tính từ 1/7/2023 với chứng chỉ tiếng ngoại ngữ 6 bậc; Các trường được đạo tạo thạc sĩ trực tuyến khi có thiên tai, dịch bệnh… là những chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo có hiệu lực trong tháng 10.
Ảnh minh hoạ
Các trường được đạo tạo thạc sĩ trực tuyến khi có thiên tai, dịch bệnh
Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Trong đó, Bộ GD&ĐT đã bổ sung các quy định mới về việc tổ các lớp học trực tuyến khi đào tạo trình độ thạc sĩ.
Cụ thể, trong điều kiện bình thường, các cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp.
Còn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bắt buộc thi “nghe, đọc, viết” trên máy tính từ 01/7/2023 với chứng chỉ tiếng ngoại ngữ 6 bậc
Đây là nội dung tại Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT ngày 08/9/2021 của Bộ GD&ĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Cụ thể, khi thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc, các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi như sau:
Từ nay đến 30/6/2023: Các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính.
Bắt đầu từ ngày 01/7/2023, tất cả các kỹ năng đều được tổ chức thi trên máy vi tính.
Như vậy, trừ kỹ năng nói có thể thi trực tiếp hoặc thi trên máy tính, từ ngày 01/7/2023, 03 kỹ năng còn lại sẽ được tổ chức thi hoàn toàn trên máy tính.
Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/10/2021.
Quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Thêm một văn bản nữa lĩnh vực giáo dục đào tạo sẽ có hiệu lực từ 15/10/2021 là Nghị định 81/2021/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập…
Nghị định quy định, khung học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021 – 2022 căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể.
Còn khung học phí năm học 2022 – 2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được chia theo vùng. Cụ thể, vùng thành thị có mức học phí mỗi tháng từ 300 – 540 nghìn đồng/học sinh mầm non và tiểu học; cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có mức học phí từ 300 – 650 nghìn đồng/học sinh. Vùng nông thôn có mức học phí mỗi tháng từ 100 – 220 nghìn đồng/học sinh mầm non và tiểu học; cấp trung học cơ sở có mức học phí từ 100 – 270 nghìn/học sinh; cấp trung học phổ thông từ 200 – 330 nghìn đồng/học sinh. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có mức học phí mỗi tháng từ 50 – 110 nghìn đồng/học sinh mần non và tiểu học; cấp trung học cơ sở có mức học phí từ 50 – 170 nghìn/học sinh; cấp trung học phổ thông từ 100 – 220 nghìn đồng/học sinh.
Từ năm học 2023 – 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.
Cũng theo quy định tại nghị định, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.