Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (WCSP5) là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức theo cơ chế 5 năm một lần, với chương trình nghị sự là những nội dung bao trùm, có tính thời sự, cấp thiết trên toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến Vienna, Cộng hòa Áo
Chiều 5/9, giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến Vienna, Cộng hòa Áo, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka.
Đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn tại sân bay Schwechat có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (WCSP5) là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức theo cơ chế 5 năm một lần, với chương trình nghị sự là những nội dung bao trùm, có tính thời sự, cấp thiết trên toàn cầu.
Với sự tham dự của 144 nhân vật cấp Chủ tịch Quốc hội và 30 cấp Phó Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới, WCSP5 sẽ tập trung thảo luận về chủ đề chung “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất”.
Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có các phiên thảo luận chung chuyên đề về: Hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới; giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19; phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; cân bằng mối quan hệ giữa cởi mở, minh bạch và khả năng tiếp cận của nghị viện và vấn đề an ninh; Nghị viện và quản trị toàn cầu, tăng cường vai trò của nghị viện đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc. Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Cấp cao về chủ đề chung của Hội nghị.
Theo lịch trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự lễ khai mạc, tham dự các Phiên thảo luận chung và Phiên thảo luận chuyên đề…
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội dự kiến có các cuộc gặp với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU; tiếp xúc song phương với một số Trưởng đoàn/Chủ tịch Nghị viện các nước.
Tại Cộng hòa Áo, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng sẽ có các hoạt động song phương như: hội kiến lãnh đạo nghị viện Áo; thăm, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna, gặp gỡ một số doanh nghiệp tại Áo đang triển khai các dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin…
Được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Cộng hòa Áo, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần này thể hiện quyết tâm của Hội đồng Quốc gia Áo và Nghị viện các nước châu Âu đem lại sức sống mới, khôi phục niềm tin của người dân khu vực châu Âu đối với chính sách và sự phát triển của Liên minh châu Âu, đồng thời, gắn kết quan hệ trên kênh nghị viện giữa các quốc gia trên thế giới. Vì thế, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị còn thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội nước ta đối với Nghị viện Áo.
Là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu trong Liên minh châu Âu, hiện Áo đang tích cực triển khai các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch với việc triển khai gói cứu trợ 50 tỷ euro, cắt giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực kinh tế số, giáo dục…
Áo cũng là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nước ta còn chưa kết thúc.
Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Áo được củng cố và phát triển. Áo đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và duy trì trao đổi đoàn cấp cao và hợp tác trên các diễn đàn đa phương.