76 năm sau ngày Ðộc lập (2/9/1945 – 2/9/2021), đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách do tác động của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn đảng, toàn quân và toàn dân đang phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết một lòng để ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và phát biểu nhấn mạnh tinh thần đại đoàn kết để vượt qua đại dịch COVID-19
“Ðã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa”
Sự xuất hiện làn sóng COVID-19 lần thứ tư, với biến chủng Delta lây lan nhanh, phức tạp những tháng gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội nước ta. Với phương châm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong bối cảnh đó, để phát huy tinh thần đoàn kết, toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
“Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”, Tổng Bí thư kêu gọi.
Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!
Để khơi dậy, phát huy sức mạnh đoàn kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã phát động Phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Thủ tướng kêu gọi các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, thương nòi, “lá lành đùm lá rách”, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; sẵn sàng hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa con người Việt Nam, hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt quy định của các cấp chính quyền, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly, phải thực hiện nghiêm ngặt người cách ly với người, ai ở đâu thì ở đó để ngăn chặn nguồn lây, góp phần sớm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
Đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam
Triệu trái tim một ý chí
Để bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng lập tức đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, với sự tham gia của 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Bí thư Trung ương Đảng. Ban Chỉ đạo là một tập thể thống nhất, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, gồm các lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.
Việc kiện toàn này thể hiện quyết tâm cao nhất của Đảng và Nhà nước trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và chăm lo công tác an sinh xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là các tỉnh phía Nam và TPHCM.
Ngay sau chuyến kiểm tra thực tế, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội. Trong cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, hiệp hội, hội đồng hương, các tổ chức tôn giáo… cần vận động, thuyết phục và kêu gọi người dân kiên trì hưởng ứng “ai ở đâu ở đó”, không ra khỏi nhà để thực hiện phòng, chống dịch; có các biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn.
Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, thời gian qua, rất nhiều lực lượng tuyến đầu ngay ở cơ sở, mỗi địa bàn dân cư đã nhiều ngày đêm miệt mài tham gia chống dịch, đến từng nhà, từng người, cung cấp nhu yếu phẩm, tư vấn, khám chữa bệnh, thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhân dân. Nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm lòng nhân ái đã có cách làm sáng tạo, thiết thực giúp đỡ nhân dân: ATM oxy, ATM gạo, siêu thị, chợ 0 đồng, suất ăn 0 đồng…
Trong xã hội, nhiều tấm gương tiêu biểu, làm việc quên mình vì nhiệm vụ thiêng liêng trong thời khắc cam go, “sinh – tử” của cuộc chiến. Hàng trăm người đã bị nhiễm COVID-19 khi thực hiện nhiệm vụ; có người đã hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Không chỉ người dân trong nước, bà con kiều bào ở nước ngoài cũng hướng về quê hương, với tinh thần “tương thân, tương ái”.
Đại dịch vẫn diễn ra phức tạp, khó khăn, thách thức ở phía trước vẫn còn rất lớn, song với truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết một lòng đã và đang tạo ra niềm tin cho xã hội trong việc khống chế đại dịch. Điều quan trọng lúc này mỗi người dân đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.