Đề xuất phụ cấp ưu đãi giáo viên theo các mức từ 25% đến 100%

226

Dự thảo mức phụ cấp cho nhà giáo được đề nghị quy định từ mức 25% đến 100% tùy thuộc vào đối tượng, khu vực nhà giáo đang công tác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, với các mức từ 25% đến 100%. Theo dự thảo, mức phụ cấp cho nhà giáo được đề nghị quy định từ mức 25% đến 100% tùy thuộc vào đối tượng, khu vực nhà giáo đang công tác.

Phụ cấp thấp nhất (25%) áp dụng với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các mức 30-40% áp dụng với nhà giáo trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm. Mức phụ cấp dao động tùy theo nhà giáo công tác ở vùng thuận lợi hay khó khăn.

Riêng nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học ở các xã khu vực I, khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hưởng mức phụ cấp 50%.

Đặc biệt ở cấp mầm non, phụ cấp nhà giáo trong các cơ sở công lập được đề xuất là 70% và mức 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Giáo viên mầm non được quan tâm đặc biệt trong đề xuất mức phụ cấp ưu đãi. Ảnh minh họa.

Theo dự thảo tờ trình trên, việc điều chỉnh phụ cấp đối với giáo viên mầm non được thực hiện căn cứ vào Luật giáo dục 2019 chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89.

Cụ thể, với mức phụ cấp 35%, thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, cụ thể là: nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50%, lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.

Với mức đề xuất này, có khoảng 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.

Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi được sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp của cơ sở giáo dục theo quy định và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương.

Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hằng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo áp dụng trong nghị định này được thực hiện từ ngày nghị định này có hiệu lực đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Trước đó, quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC về chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã ban hành được 17 năm, hiện bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc khiến các địa phương lúng túng trong việc thực hiện chi trả phụ cấp cho nhà giáo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo là để tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới, đồng thời, thể hiện rõ quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.