Nghệ An: Lúng túng chọn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới

197

Năm học 2022-2023, việc thay đổi sách giáo khoa tiếp tục được thực hiện với các lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Do có nhiều thay đổi về chương trình giáo dục phổ thông mới khiến nhiều phụ huynh trên địa bàn Nghệ An băn khoăn khi chọn và mua sách giáo khoa cho trẻ.

Lúng túng khi chọn sách giáo khoa mới

Đây là năm đầu tiên lớp 10 thực hiện thay sách giáo khoa nên việc đăng ký mua sách có khá nhiều bị động.

Năm nay, chị Hoàng Trinh, phường Vinh Tân, thành phố Vinh có con vào lớp 6. Đứng trước quầy sách gần 30 phút nhưng chị Trinh vẫn không biết mua cho con cuốn nào và liệu mua thì có đúng với chương trình thay sách giáo khoa mới hay không. Chị Hoàng Trinh chia sẻ, một bộ sách nhưng có nhiều nhà xuất bản cùng cung ứng. Năm nay, con học chương trình lớp tiên tiến càng khiến chị băn khoăn chưa biết mua sách gì. Nên chăng, nhà trường sớm thông báo cho phụ huynh để gia đình kịp chuẩn bị bởi năm học mới đã cận kề.

Cùng nỗi niềm với chị Trinh, chị Thanh Thủy ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, cũng lúng túng không biết mua sách gì phù hợp cho con vào lớp 10. Do không biết con học lớp gì, học môn tự chọn nào, chị Thủy đã được nhân viên nhà sách tư vấn có thể quay lại sau khi đã biết được các môn học mà con đã đăng ký hoặc đăng ký qua nhà trường để việc mua sách được chính xác.

Không chỉ phụ huynh mà đến thời điểm này, việc định hướng cho học sinh đăng ký môn tự chọn gì và mua sách nào vẫn là điều khó khăn với nhiều nhà trường, nhất là với học sinh lớp 10 đầu cấp. Tại Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập, trước khi học sinh đăng ký nhập học, nhà trường đã công khai toàn bộ 24 cuốn sách giáo khoa lớp 10 của hai nhà xuất bản đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Như các năm trước, học sinh chỉ cần dựa vào danh sách là có thể mua sách nhưng năm nay còn phụ thuộc vào các tổ hợp môn mà các em đăng ký. Ngay cả nhà trường, dù có thể hỗ trợ học sinh mua sách giáo khoa nhưng cũng không thể tổng hợp danh sách vội vàng vì học sinh có thể thay đổi nguyện vọng.

Thầy giáo Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập cho biết: Đây là năm đầu tiên lớp 10 thực hiện thay sách giáo khoa nên việc đăng ký mua sách có khá nhiều bị động. Ví dụ, thời điểm này, trường có thể đặt trước nhà xuất bản 7 cuốn sách dành cho 7 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng, Giáo dục thể chất. Còn lại, các môn học khác phải chờ các em đăng ký mới có thể tổng hợp được. Con số này sẽ khá tỉ mỉ và nếu không cẩn thận có thể thừa hoặc thiếu sách giáo khoa, không đủ để cung ứng cho các học sinh khi năm học mới đã gần kề.

Chủ động cung ứng sách giáo khoa

Đây là năm đầu tiên lớp 10 thực hiện thay sách giáo khoa nên việc đăng ký mua sách có khá nhiều bị động.

Trong khi với lớp 3, lớp 7 việc thay đổi sách giáo khoa không có quá nhiều biến động vì đã có sự kế thừa từ các năm học trước thì với lớp 10 có khá nhiều điểm mới. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Đây cũng là năm học sinh chuyển sang giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Vì vậy, ngoài môn bắt buộc, sẽ có các môn tự chọn để học sinh đăng ký theo năng lực định hướng đào tạo tương lai. Để tạo thuận lợi cho học sinh bước vào năm học mới, tất cả các trường học đều hỗ trợ các em đăng ký mua sách giáo khoa tại trường (nếu học sinh có nhu cầu). Bên cạnh đó, học sinh có thể tự đi mua tại các nhà sách thiết bị trường học hoặc ở các đại lý tại 21 huyện, thành, thị.

Trước đó, để chuẩn bị cho năm học mới, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa và gửi danh sách các bộ sách đã được phê duyệt để các nhà trường thuận lợi trong việc lựa chọn. Khó khăn nhất hiện nay là do học sinh nhập học muộn (nhiều trường có thể phải hết tuần đầu tiên của tháng 8 mới hoàn thành) nên có thể bị động trong việc tổng hợp danh sách và đăng ký các sách giáo khoa cần mua.

Tại Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Nghệ An, đến nay tỷ lệ trường học đăng ký các sách bắt buộc chỉ mới đạt 85%. Số sách đăng ký nhiều nhất là Ngữ văn 100%. Trong khi đó, tỷ lệ các nhà trường đăng ký các môn lựa chọn chỉ đạt trung bình khoảng 65%. Riêng các môn như: Tin học, Vật Lý, Hóa học và Công nghệ, tỷ lệ đăng ký chỉ mới đạt khoảng hơn 24%. Về việc đăng ký sách, giữa các trường cũng có khá nhiều sự khác biệt. Ví dụ, với môn Ngữ văn, 100% trường đăng ký bộ sách Kết nối tri thức. Trong khi đó, với môn Toán, có đến 17 trường chọn bộ sách Cánh diều và 67 trường chọn bộ sách Kết nối tri thức. Ở bộ môn Sinh học, có 33/85 trường chọn sách Cánh diều, 49/85 trường chọn bộ sách Kết nối tri thức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học cho biết: Theo kế hoạch trong tuần này, Công ty hoàn thành việc đăng ký nhu cầu sử dụng sách giáo khoa với các nhà trường cho học sinh toàn tỉnh; sau đó liên hệ với các nhà xuất bản để kịp thời cung ứng vào giữa tháng 8. Lường trước nhu cầu của học sinh trong năm học này, Công ty đã đặt trước sách giáo khoa nhiều môn học với nhà xuất bản nên sẽ tránh việc bị động trong cung ứng cho năm học mới. Ngoài sách giáo khoa lớp 10, trừ ba huyện miền núi là Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu thì toàn bộ các trường có đăng ký đã được đơn vị cung ứng đầy đủ. Số còn lại, dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần đầu tiên của tháng 8 sau khi giáo viên các huyện miền núi tựu trường. Trong năm học này, sách giáo khoa ở các bậc học về cơ bản sẽ giữ ổn định. Riêng những bậc học sử dụng sách theo chương trình mới, có một số điều chỉnh nhưng không nhiều và các nhà trường sẽ sớm thông báo cho phụ huynh.

Qua tổng hợp của Công ty sách và thiết bị trường học Nghệ An, trung bình mỗi năm, Công ty và các đại lý trên toàn tỉnh sẽ cung ứng từ 60 – 70% sách mới cho học sinh. Số còn lại, các nhà trường và các tổ chức, xã hội bằng nhiều phương thức như triển khai chương trình Thư viện cho em, huy động sách giáo khoa cũ để cho học sinh mượn hoặc trao tặng sách cho giáo viên vùng khó.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, Sở đang tổng hợp danh sách các học sinh khó khăn ở các địa phương; trên cơ sở đó sẽ phối hợp với tổ chức, cá nhân và các đơn vị cung ứng sách để hỗ trợ cho một số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục nhân rộng mô hình thư viện nhà trường tạo thành kho sách giáo khoa để cho học sinh khó khăn mượn và sử dụng trong các năm học.