74 người kê khai tài sản, thu nhập chưa đúng quy định

257
Báo cáo của Chính phủ cho biết, qua xác minh tài sản, thu nhập của hơn 7.600 người đã phát hiện 74 cán bộ kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 vừa được Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước.

19 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ thông tin, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Trong kỳ báo cáo, đã có hơn 542.000 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên.

Đến nay có hơn 7.600 người được xác minh tài sản, thu nhập; qua xác minh phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định; đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Mẫu kê khai tài sản, thu nhập (Ảnh minh họa).

19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” tạo bước đột phá trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ nhận định, những nỗ lực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, toàn diện và quyết tâm chính trị đó đã được quốc tế đánh giá cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).

Một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”

Chính phủ thẳng thắn thừa nhận việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng, vẫn còn hạn chế, vướng mắc.

Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ; một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét.

Trong khi đó, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Vẫn còn tình trạng cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận.

Chính phủ cũng lưu ý, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được chú trọng đúng mức. Cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực thực hiện chưa hiệu quả…

“Các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực có tính chất phức tạp, nhiều vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng phạm tội tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn nên có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ rộng. Tội phạm thường xảy ra trước đó đã lâu, qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra mới bị phát hiện nên nhiều nội dung sai phạm đã được các đối tượng hợp thức hóa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ,… gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý”- báo cáo của Chính phủ nêu.

Chính phủ dự báo hành vi tham nhũng sẽ càng tinh vi, phức tạp, khó lường, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp.

“Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”- báo cáo cho hay.