Thẩm tra Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Nghệ An

48
Tham-tra-De-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-xa-cua-tinh-Nghe-An

Ủy ban Pháp luật Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của tỉnh Nghệ An.

Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 28 thẩm tra Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Đề án của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Nghệ An có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 89 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp.

Đối với cấp huyện, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 3 đơn vị (gồm 1 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 2 đơn vị liền kề có liên quan).

Đối với cấp xã, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 92 đơn vị (gồm 65/89 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 27 đơn vị liền kề có liên quan); 4 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp; không thực hiện sắp xếp đối với 24/89 đơn vị do có yếu tố đặc thù.

 Ủy ban Pháp luật Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của tỉnh Nghệ An.

Sau khi sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Nghệ An giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, từ 21 đơn vị xuống còn 20 đơn vị và giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, từ 460 đơn vị xuống còn 412 đơn vị.

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Các trường hợp không thực hiện sắp xếp hoặc chưa thực hiện sắp xếp đều có lý do phù hợp và tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Nghệ An.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, thành lập cơ bản bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 1211 và yêu cầu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 35.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự quyết tâm và chủ động của địa phương trong việc rà soát, xây dựng phương án cụ thể và chế độ hỗ trợ nhân văn, hợp lý để bảo đảm giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo đúng lộ trình cho phép.

Đồng thời, cơ bản tán thành với những nội dung này và đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn để bảo đảm “phù hợp với quy mô dân số, bán kính phục vụ, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực, bảo đảm tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức”.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Nghệ An; đề nghị Chính phủ, tỉnh Nghệ An có giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, sớm kiện toàn hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của nhân dân.