Đại biểu Quốc hội đề xuất mở thêm ga đường sắt tốc độ cao giữa 2 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An

21

Đại biểu Trần Quốc Thuận đề nghị Chính phủ nghiên cứu mở thêm ga đường sắt tốc độ cao ở giữa 2 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An bởi khoảng cách xa, nhu cầu đi lại đông.

 Đại biểu Trần Quốc Thuận – Ảnh: Gia Hân

Ngày 13-11, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Quốc Thuận (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh) bày tỏ ủng hộ việc chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Nhưng đề nghị phải tính toán để đảm bảo an toàn cho cả nền kinh tế, tránh quá chú trọng đến dự án này mà ảnh hưởng các mục tiêu phát triển kinh tế.

Tránh lệ thuộc công nghệ nước ngoài, rơi vào bẫy nợ

Ông nói thêm hiện chưa biết sẽ sử dụng công nghệ nào nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tránh sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

“Chọn nhà thầu nào vừa có uy tín, kinh nghiệm nhưng tránh rơi vào bẫy nợ, lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ của họ”, ông Thuận nói và mong muốn ký kết với đối tác theo hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ là tốt nhất để có kinh nghiệm, chủ động về công nghệ.

Một điểm ông Thuận băn khoăn là theo tờ trình tuyến đường sắt có 23 ga hành khách. Nhưng khoảng cách từ ga Vinh đến ga Thanh Hóa lại xa quá – khoảng 140km.

“Đường sắt phục vụ vận tải hành khách là chủ yếu mà Thanh Hóa, Nghệ An là hai tỉnh có dân số đông, nhu cầu đi lại cao.

Nên đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể mở thêm ga ở giữa 2 tỉnh ở Hoàng Mai (Nghệ An) hoặc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Với khu Nghi Sơn thì ga đó vừa có thể là ga hành khách và hàng hóa…”, ông Thuận đề xuất.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cũng đề nghị nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến tận các tỉnh miền Tây, trong đó có Cần Thơ.

Bởi theo bà Hạnh, đây là các tỉnh chưa có nhiều tuyến cao tốc đường bộ, tình trạng kẹt xe mỗi dịp lễ, Tết rất nghiêm trọng. Với Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây nên đại biểu đề nghị cân nhắc kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến khu vực này.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) dù nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư nhưng bày tỏ băn khoăn về thời gian thực hiện dự án 10 năm liệu có đảm bảo khả thi không. Bà đề nghị Chính phủ cân nhắc…

  Đại biểu Trần Văn Lâm – Ảnh: Gia Hân

Không nên quá lo lắng đến nguồn lực

Cũng nêu ý kiến thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cho rằng việc xây dựng là hợp lý và có thể nói là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

“Chúng ta có đủ tiềm lực, năng lực, ý chí quyết tâm và nhu cầu của kinh tế – xã hội đang ở mức cấp bách cần thực hiện, thậm chí có ý kiến còn cho rằng triển khai hiện nay hơi chậm.

Nếu không làm sẽ lỡ cơ hội, tiềm năng phát triển lâu dài của đất nước”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, vấn đề lo ngại nhất là về vốn và có thể tác động đến tăng nợ công một chút, tăng bội chi một chút, tăng nghĩa vụ trả nợ.

“Nhưng qua nghiên cứu, đánh giá hoàn toàn trong khả năng của chúng ta. Theo báo cáo của Chính phủ, nguồn lực thực hiện là đầu tư công nhưng chưa phải dùng, khai thác đến một số nguồn lực đã nhìn thấy.

Như ước tính 22 tỉ USD quỹ đất TOD ở các ga đầu mối chưa phải dùng đến. Hay tăng trưởng kinh tế mỗi năm 1% tạo GDP rất lớn, tăng nguồn thu ngân sách – nguồn lực này chưa tính đến. Do vậy không nên quá lo lắng đến nguồn lực”, ông Lâm nêu rõ.

Về vấn đề công nghệ, ông Lâm nói hiện có nhiều quốc gia mong muốn chuyển giao công nghệ, bởi chuyển giao còn có thể thu được tiền, còn để lâu sẽ “càng xuống giá” nhưng nếu Việt Nam không làm sẽ lỡ cơ hội.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh đến hiệu quả của dự án đã được thấy rõ khi đi vào hoạt động sẽ tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, khi nguồn vốn đầu tư công lớn được thực hiện sẽ lan tỏa, giúp thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, theo ông Lâm có một số vấn đề cần chú ý hơn như tranh cãi về các ga (điểm dừng). Trong đó có chỗ có nhu cầu nhưng ngay trên tuyến dự kiến đi qua không tính đến dù rất dài. Nhưng có chỗ lại phải đi vòng một chút.

“Chỗ này phải giải trình cho rõ, không nhiều người thắc mắc đi vòng qua Nam Định được mà không vòng đi Hưng Yên. Hay không vòng qua Hòa Bình, bởi Hòa Bình chưa có đường sắt.

Đề nghị Chính phủ phải giải trình thấu đáo, còn nếu đúng hiệu quả thì đại biểu sẽ ủng hộ. Nhưng rõ ràng quan điểm làm tuyến hướng phải thẳng nhất để giảm chi phí đầu tư, còn đây dự kiến lại cứ vòng vèo, quanh co, đường cong mềm mại…”, ông Lâm nêu.

Vì sao đi vòng qua Nam Định?

Trước đó, tại tờ trình ngày 10-11 gửi Quốc hội, Chính phủ đã giải trình về hướng tuyến qua thành phố Nam Định thay vì đi thẳng từ Hà Nam đến Ninh Bình.

Theo Chính phủ, trong quá trình nghiên cứu đã đưa ra 3 phương án để phân tích, so sánh lựa chọn: ga cách trung tâm TP 5km; ga cách trung tâm TP 12km; tuyến đi thẳng từ Hà Nam đến Ninh Bình, không qua Nam Định.

Tuy nhiên, TP Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 người, là trung tâm phía nam vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông với các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên… với khoảng 4 triệu dân.

Dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm. Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua Nam Định (cách trung tâm TP 12km) khoảng 1,66 tỉ USD, trong khi các lợi ích thu được ước khoảng 2,06 tỉ USD.

Như vậy, việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP Nam Định có lợi ích ước tính đạt khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm, so với việc tuyến đi thẳng không qua khu vực này.

Kinh nghiệm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng có tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách thay vì đi thẳng.