Với chiều dài hơn 60km, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, dự án đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay còn vướng mắc ở nhiều đoạn, tuyến do vướng khâu mặt bằng, buộc nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”. Mặc dù chính quyền đã quyết liệt vào cuộc, song nhiều hộ gia đình vẫn cố thủ, không chấp thuận các phương án đền bù dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Ông Trương Văn Quý là một trong 9 hộ dân trú tại xóm Minh Sơn, xã Phú Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có đất và tài sản bị ảnh hưởng bởi dự án đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò. Đến nay, cùng với hai hộ liền kề là Trương Quốc Đèo và Hồ Thị Trường, ông Quý chưa đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, dẫn đến dự án đã thi công từ hai phía, nhưng đến phần đất của các hộ dân này thì buộc phải dừng lại, chờ mặt bằng.
Đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò đoạn qua cầu Lạch Quèn đang vướng mặt bằng.
Theo ông Quý, gia đình ông sinh sống trên mảnh đất gần 2.000m2 này từ đời ông cha để lại. Khi dự án đường ven biển đi qua, nhà nước thu hồi của gia đình hơn 500m2, hồ sơ bồi thường theo mức giá đất nông nghiệp, nên mong muốn của gia đình được chính quyền địa phương bồi thường theo giá đất vườn cùng thửa đất ở. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận vì không đúng với các quy định của pháp luật.
Trong nhiều năm qua, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền, vận động nhưng không mang lại kết quả. Huyện Quỳnh Lưu là địa phương còn vướng mắc giải phóng mặt bằng dự án đường ven biển nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Theo báo cáo, đến nay vẫn còn vướng mặt bằng 15 hộ, với chiều dài 0,4km chưa giải phóng được, trong đó tại xã Phú Nghĩa còn 7 hộ và xã Thuận Long còn 8 hộ.
Ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, qua rà soát thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai, tài sản của cá nhân, tổ chức trong công tác giải phóng mặt bằng đường ven biển. Địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, song có một số kiến nghị của người dân vượt quá thẩm quyền buộc huyện phải xin ý kiến, đề nghị tỉnh giải quyết dẫn đến kéo dài thời gian xử lý.
Cũng tại dự án này, ở huyện Nghi Lộc đến nay đang gặp vướng mắc tại 3 hộ dân ở xã Nghi Quang. Trong đó, hộ bà Trần Thị Ngọ bị thu hồi toàn bộ đất ở và đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, gia đình bà chưa ký hồ sơ vì cho rằng mức giá bồi thường về đất, tài sản trên đất thấp, đồng thời, yêu cầu được bồi thường toàn bộ công trình xây dựng trên phần đất do UBND xã quản lý.
Hai hộ khác là ông Nguyễn Văn Lâm và bà Hồ Thị Ty có đất nông nghiệp bị thu hồi một phần, trong đó có diện tích có nguồn gốc là đất vườn. Các hộ này không đồng ý mức đền bù đưa ra, cho rằng quá thấp và yêu cầu được cấp đất tái định cư song căn cứ quy định thì các hộ dân này không đủ điều kiện để được bố trí tái định cư.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc khẳng định, thời gian tới sẽ thực hiện các quy trình cưỡng chế nhằm đảm bảo tiến độ nếu các hộ dân tiếp tục phản đối. Tại các địa phương gồm thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu và thành phố Vinh, mỗi đơn vị còn duy nhất 1 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Hiện, các địa phương đang tiếp tục giải thích, vận động gia đình sớm nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho dự án, nếu các hộ gia đình vẫn không chấp nhận thì sẽ tổ chức cưỡng chế.
Theo Sở Xây dựng Nghệ An, nguyên nhân của việc chậm giải phóng mặt bằng là do công tác xác nhận nguồn gốc đất khó khăn; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng mất nhiều thời gian. Một số hộ dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ vượt chính sách quy định dẫn đến dự án không kịp về đích theo đúng tiến độ đề ra. Đến nay, sản lượng thi công của các nhà thầu trên toàn tuyến ước đạt 89,2% giá trị hợp đồng. Mặc dù là công trình trọng điểm, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều địa phương có dự án đi qua vẫn chưa hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các đơn vị thi công.
Để đảm bảo dự án này hoàn thành đúng kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các địa phương, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tại công văn mới đây nhất, địa phương này đã chỉ đạo chủ đầu tư phải hoàn thành dự án trong tháng 6/2025 và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 9/2025.
Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7-Km76 có quy mô đường cấp III đồng bằng, với tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng. Tuyến đường nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, kết nối vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực cũng như của tỉnh Nghệ An.
Đây là dự án trọng điểm, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của toàn tỉnh Nghệ An nói riêng và hệ thống giao thông đường bộ ven biển của cả nước nói chung. Dự án kết nối thuận lợi các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực từ Thanh Hoá đến Nghệ An; kết nối khu Cảng biển quốc tế Vissai, Cảng Cửa Lò, Cảng DKC và các khu du lịch trọng điểm nằm dọc các địa phương ven biển. Dự án được triển khai thi công từ tháng 2/2022, đến nay kế hoạch vốn được bố trí 4.037,6 tỷ đồng, hiện tại đã giải ngân được khoảng 3.632 tỷ đồng.
Ông Hoàng Phú Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết thêm, trung tuần giữa tháng 4/2025, đoàn công tác của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường, ghi nhận nhiều vị trí của dự án đang vướng mặt bằng, buộc nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương, cần phải tập trung quyết liệt để triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm bàn giao dứt điểm cho nhà thầu.
Theo ông Hiền, đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030, nên các địa phương, đơn vị, sở, ngành phải quyết liệt vào cuộc, nhằm đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.