Xăng dầu tăng ‘phi mã’, doanh nghiệp ở Nghệ An kêu trời

297

Giá xăng dầu vừa tăng “phi mã” lên mức cao nhất trong những năm trở lại đây, đã khiến doanh nghiệp vận tải, người tiêu dùng rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn; người dân lo ngại nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ ‘té nước theo mưa’ trong những ngày tới.

Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa yêu cầu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ 16h hôm nay (26/10).

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 1.459 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.171 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, dầu mazut tăng 120 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít; dầu mazut là 17.210 đồng/kg.

Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua tăng mạnh khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm…

Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10/2021 cụ thể: 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 9,21 USD/thùng, tương đương mức tăng 10,44% so với kỳ trước); xăng RON95 giá 100,38 USD/thùng xăng (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương mức tăng 11,23%); dầu diesel 0.05S giá 95,20  USD/thùng (tăng 7,44 USD/thùng, tương đương tăng 8,48%).

Doanh nghiệp vận tải đang khó chồng khó khi gia xăng tăng “phi mã”. Ảnh: TH

Giá xăng tăng “phi mã” khiến doanh nghiệp và người dân ở Nghệ An rất băn khoăn về nguy cơ giá cả các mặt hàng khác sẽ bị đẩy lên cao. Họ đã có phản hồi không mấy tích cực về giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, đang gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Đàm Văn – Đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Nghệ An, Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn Minh cho biết, hiện xe vận chuyển hành khách liên tỉnh của công ty ông đã được chạy sau thời gian phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, lượng khách đi và đến đang rất ít vì người dân đang e ngại dịch bệnh, dẫn đến công ty đang gặp nhiều khó khăn.

“Khách đã ít, mà xăng dầu lại tăng cao khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Hiện tại, công ty cũng muốn điều chỉnh giá vé cho phù hợp, nhưng như thế thì người dân lại phải chịu gánh nặng về giá, do đó, chúng tôi cũng đang cân nhắc việc này”, ông Văn nói.

Ông Trần Đức Danh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trường An (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng; vận tải; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng top đầu ở Nghệ An) chia sẻ, thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp đã khiến nhiều công trình, dự án của công ty ông bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của công ty ông.

Theo ông Danh, giá xăng chiếm tới 40% trong cấu thành giá cước vận tải nên việc xăng liên tiếp tăng mạnh thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp khó. Giờ xăng dầu tăng ‘phi mã’ như thế thì chúng tôi cũng không thể tăng cước vận chuyển hay giá nguyên vật liệu lên ngay được, nhưng nếu không tăng thì bắt buộc chúng tôi phải bù lỗ và lỗ rất nhiều”, ông Danh nhận định.

Chủ một doanh nghiệp vận tải, khai thác khoáng sản ở Nghệ An cho rằng, xăng dầu tăng giá như thế thì doanh nghiệp không nói đến chuyện khó khăn nữa. “Chúng tôi đang tính phương án cho công nhân nghỉ và đóng cửa nhà máy tạm thời. Do giá sản phẩm, cước vận chuyển thì thấp mà giá xăng dầu cao thế thì làm không đủ để chi phí chứ chưa nói chuyện có lãi”, ông Nga nói.

Giá xăng dầu tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo anh Nguyễn Văn Công – một tiểu thương ở TP. Vinh, giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng tăng liên tục, giảm rất ít, nên các mặt hàng nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ, tăng theo giá xăng dầu.