Trung tướng Nguyễn Văn Sơn – cựu tư lệnh Cảnh sát biển, trung tướng Hoàng Văn Đồng – cựu chính ủy, cùng 3 thiếu tướng và 2 sĩ quan cấp tá đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội tham ô tài sản.
Cựu tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn vừa bị bắt tạm giam – Ảnh: HOÀNG PHONG
Trước đó 2 thiếu tướng là tư lệnh vùng 3, 4 của Cảnh sát biển cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về cùng tội danh trên.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng và việc xử lý cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, quân đội khi không khoan nhượng bất cứ hành vi tham nhũng nào dù đó là ai.
* Ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục):
Không khoan nhượng, dù đó là ai
Việc 7 sĩ quan gồm cựu tư lệnh, cựu chính ủy cùng nhiều sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tham ô tài sản, và trước đó 2 thiếu tướng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, quân đội không khoan nhượng trước bất cứ hành vi tham nhũng nào dù đó là ai.
Trong vụ việc này, các tướng, tá vi phạm đều từng là tư lệnh, chính ủy, phó tư lệnh chỉ huy của lực lượng cảnh sát biển là lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên họ đã không làm tốt, đúng được trọng trách mà Đảng, nhân dân, quân đội giao phó mà lại lợi dụng chức vụ để móc ngoặc, cấu kết với nhau từ cấp trên đến cấp dưới để thực hiện hành vi trục lợi cho bản thân. Từ đó, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của quân đội với nhân dân.
Qua xử lý quyết liệt vụ việc cho thấy các sĩ quan vi phạm đã câu kết với nhau tạo thành nhóm lợi ích thì chúng ta phải đánh bật cả nhóm và đã là đường dây thì phải chặt đứt cả đường dây đó chứ không chỉ bóc tách một vài mắt xích. Đồng thời việc xử lý nghiêm minh, kiên quyết chính là tiếng chuông răn đe, cảnh báo rất quyết liệt với tất cả cán bộ, đảng viên rằng dù là ai, là lực lượng nào nhưng nếu có vi phạm đều sẽ bị xử lý.
* Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (nguyên phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu 2):
Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc
Dư luận rất đau xót khi trong Bộ tư lệnh Cảnh sát biển có những cán bộ sĩ quan, thậm chí cấp trung tướng, tư lệnh, chính ủy, thiếu tướng, phó tư lệnh… nhưng lại có những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng dẫn đến bị khởi tố, bắt tạm giam.
Những người này rõ ràng đã lợi dụng chức trách, quyền lực được Đảng, quân đội giao cho để làm hại cho nước, cho dân, trục lợi cho cá nhân. Với những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng như vậy, rõ ràng họ không xứng đáng với hàm tướng.
Qua vụ việc này cũng cho thấy vi phạm ở đây không chỉ một cá nhân mà ở cả “dàn” lãnh đạo của Cảnh sát biển nên rõ ràng Đảng ủy, Ban thường vụ Đảng ủy trong thời gian những cán bộ này có hành vi sai phạm đã có biểu hiện yếu kém, suy thoái, bị các cá nhân “lai dắt”. Do vậy cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó chấn chỉnh kịp thời, góp phần làm cho quân đội ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, chất lượng cán bộ ngày càng cao hơn.
* Ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Đồng Tháp):
Dù đau xót nhưng cũng rất mừng
Vụ việc đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bị phạt tù, rồi đến vụ Việt Á liên quan đến Học viện Quân y với nhiều tướng lĩnh đã bị kỷ luật và giờ đến việc điều tra, xử lý hình sự các tướng lĩnh của Cảnh sát biển từ cựu tư lệnh, chính ủy, phó tư lệnh… cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm” các vi phạm, tham nhũng.
Các sĩ quan, tướng lĩnh này đã thoái hóa, biến chất, bè phái, câu kết với nhau, lợi dụng sơ hở của chính sách, pháp luật để tham ô, tham nhũng, trục lợi cho cá nhân. Do vậy qua vụ việc này dù đau xót nhưng cũng rất mừng khi chúng ta đã loại bỏ được các cán bộ thoái hóa, biến chất ra khỏi quân đội để làm trong sạch bộ máy.
Trong thời gian tới bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, cần có sự rút kinh nghiệm chu đáo trong công tác giám sát, quản lý cán bộ, nhất là các cán bộ có chức, quyền cao. Đồng thời phải cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những cán bộ trong cũng như ngoài quân đội nào còn có suy nghĩ lệch lạc, thực hiện hành vi trục lợi riêng tư cá nhân.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (nguyên giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng):
Cần tăng cường giám sát quyền lực thực chất nhất
Là người lính già, tôi cảm thấy rất đau. Việc đơn vị Cảnh sát biển là một bộ phận của lực lượng vũ trang mà chỉ huy, lãnh đạo không trong sạch như vậy rõ ràng không thể chấp nhận được. Do đó việc xử lý nghiêm minh vụ việc này là cần thiết và thể hiện quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nêu rõ.
Trong thời gian tới để ngăn chặn những vụ việc tương tự, ngoài việc giáo dục, lựa chọn cán bộ, sĩ quan có phẩm chất, năng lực tốt cần tăng cường giám sát quyền lực một cách thực chất, đặc biệt là ở những người có chức quyền cao hay đơn vị, bộ phận dễ có thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Giám sát này có thể từ các cơ quan kiểm tra, thanh tra của quân đội hay trong cấp ủy giám sát lẫn nhau và quan trọng hơn phải làm sao để cho nhân dân cùng tham gia giám sát.