Vì sao nên để các trường được tự lựa chọn bộ sách giáo khoa cho mình?

160

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đã áp dụng được 2 năm thế nhưng câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) vẫn luôn là vấn đề được các chuyên gia giáo dục quan tâm. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên thay đổi thông tư 25, đồng thời việc chọn SGK giảng dạy nên để cho các nhà trường.

 Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Các bộ sách được lựa chọn trước hết phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội

Theo thầy giáo Ngô Mậu Tình – Phó Hiệu trưởng PTDT bán trú TH và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình) cho rằng: Lựa chọn bộ SGK trước hết phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương. Theo đó khi lựa chọn SGK, nên để trường có quyền quyết định việc này.

Lý giải về điều đó, thầy Tình cho rằng, các thầy cô trong trường là người hiểu nội dung, phương pháp, điều kiện của nhà trường và địa phương. Sự lựa chọn của các trường học là bước đầu tiên để có cơ sở thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông một cách có khả thi và thành công.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì SGK chỉ là học liệu, việc xã hội hóa có nhiều bộ SGK cũng xuất phát từ quan điểm đó. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều địa phương phần lớn sử dụng chủ yếu một bộ sách.

Ví dụ bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” được lựa chọn khá nhiều dẫu được các chuyên gia giáo dục nhặt ra khá nhiều “sạn”

Theo ý kiến của thầy Tình, việc đồng loạt học bộ sách thể hiện sự thiếu khoa học của quá trình lựa chọn, hoặc dựa vào tâm lý cùng một bộ sách cho dễ chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá.

“Nhà trường có quyền quyết định chọn bộ sách mình giảng dạy”, đó là ý kiến mà ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Về quyền quyết định lựa chọn SGK, ông Hạc cho rằng việc thực hiện theo Thông tư 25 như hiện nay tỏ rõ những bất cập. Khi mà, những người lựa chọn SGK không nắm sâu về chuyên môn.

“Chúng ta phải thay đổi quan điểm, quyết định chọn sách nào là phụ thuộc vào thầy cô giáo giảng dạy và nhà trường. Theo tôi, trường nên có quyền quyết định việc này, bởi họ là người hiểu nội dung, hiểu phương pháp, điều kiện của nhà trường. Những người thực hành sử dụng sách được chọn sách sẽ phù hợp hơn là chính quyền địa phương”, ông Phạm Minh Hạc khẳng định.

Cũng đồng quan điểm với ông Hạc, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ nhiều băn khoăn về Thông tư 25 đang thực hiện: “Chúng ta nên tôn trọng lựa chọn SGK của từng trường. Còn hiện nay việc sử dụng loại sách nào phụ thuộc vào ý kiến từ hội đồng của các tỉnh thành lập (theo Thông tư 25 – PV) là không hợp lý về mặt khoa học và thực tiễn. Bởi người không sử dụng không thể chọn cho người sử dụng, hoặc một vài người lại chọn cho số đông”.

Theo ông Lâm, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, các giáo viên thấy bộ sách nào hợp với người dạy và người học thì chọn. Hiện nay chúng ta vẫn quan niệm SGK là pháp lệnh là không đúng, sách chỉ mang tính tham khảo còn chương trình giáo dục mới là pháp lệnh. Không nên áp dụng theo kiểu cũ, coi SGK là chính.

“Việc lựa chọn của các hội đồng này phải căn cứ trên cơ sở biên bản của tổ chuyên môn của các trường học. Các trường lựa chọn như thế nào thì phải tôn trọng ý kiến đó. Ngay cả việc lựa chọn những người tham gia hội đồng là các thầy cô giáo thì việc lựa chọn vẫn chỉ phản ánh ý kiến của nhóm nhỏ chứ không phải của tất cả giáo viên. Trách nhiệm của họ là xem xét, đánh giá lại những trường học nào lựa chọn thiếu trách nhiệm, lựa chọn không phù hợp với điều kiện của địa phương”, ông Lâm nói.

Lo ngại những hạn chế của thông tư 25 dẫn đến lợi ích nhóm

Cũng liên quan đến vấn đề SGK, dư luận cũng như các chuyên gia giáo dục đã nêu lên những hiện tượng bất thường trong việc thực hiện Thông tư số 25 ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn SGK.

Thông tư 25 trao toàn quyền bỏ phiếu lựa chọn SGK cho hội đồng (HĐ) lựa chọn SGK có thể bị lợi dụng để thực hiện “lợi ích nhóm”. Cụ thể, điểm b khoản 4 Điều 8 quy định: “Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học”. Trước việc trao quyền bỏ phiếu cho HĐ trong thông tư 25, nhiều người lo ngại sẽ có lợi ích nhóm trong đó.

Ông Nguyễn Hoàng Long – Nguyên GĐ Sở GD&ĐT, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ ra mâu thuẫn giữa các quy định trong Thông tư như theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 cũng thuộc Điều 8, cơ sở GDPT phải tổ chức xét chọn rất công phu: tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên (GV) nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn SGK;

Cơ sở GDPT “tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 SGK cho mỗi môn học”.

“Tuy vậy, toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng SGK rất có thể bị một HĐ chỉ gồm 15 người bác bỏ. Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển SGK, một bộ SGK thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy có nghĩa là toàn bộ các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 bị vô hiệu hóa bằng khoản 4”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng phân tích thêm: Hiện nay, có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành SGK. Bởi vậy, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ví dụ: NXB đầu tư cho Sở GD&ĐT để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỷ lệ chiết khấu phát hành; vận động không lành mạnh một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua SGK; chỉ đạo các Công ty phát hành SGK ở địa phương không được phát hành SGK các NXB khác,….

“Điều này lẽ ra Bộ GD&ĐT cần lường trước vì không hề khó đoán”, ông Long nói.

Trong quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho HĐ lựa chọn SGK đã tạo điều kiện cho thành viên HĐ chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín.

Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh.

Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 nhằm thực hiện lợi ích nhóm tiêu cực và ngăn chặn tình trạng đi ngược lại chủ trương “một Chương trình – nhiều SGK”, ông Long cho rằng Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK.

HĐ lựa chọn SGK chỉ kiểm tra để xác nhận SGK được cơ sở GDPT lựa chọn là SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho sử dụng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Trong trường hợp SGK được dưới 10% cơ sở GDPT lựa chọn, HĐ khuyến nghị Sở GD&ĐT thông báo cho các cơ sở GDPT đó biết tỉ lệ lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT khác trong toàn tỉnh (thành phố) để cơ sở nghiên cứu, lựa chọn lại, nếu cần.

Việc lựa chọn lại thực hiện theo đúng quy trình từ tổ chuyên môn lên, như quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8.

Trong trường hợp cơ sở GDPT vẫn giữ ý kiến đề xuất của mình thì HĐ lựa chọn SGK báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền dân chủ của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK.

Bộ GD&ĐT cũng cần bổ sung vào Thông tư 25 các quy định về yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK; cách xử lý ý kiến khác nhau giữa đề xuất của cơ sở GDPT và HĐ lựa chọn SGK địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo để việc lựa chọn SGK ở địa phương có định hướng và cơ chế lựa chọn đúng đắn, đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ việc lựa chọn thành viên HĐ lựa chọn SGK (về năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức) và quy chế hoạt động của HĐ; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực.

Còn theo ý kiến của Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên Phạm Việt Đức cho biết, Thông tư 25 đã thể hiện rõ những bất cập.

Theo ông Đức, nếu như Thông tư 01/2020 giao cho các trường chọn SGK và quyết định, mọi việc triển khai rất tốt, thì Thông tư 25 ban hành sau Thông tư 01 hơn nửa năm xác định quy trình lựa chọn sách bắt đầu từ các trường, sau đó Hội đồng của tỉnh sẽ dựa vào dữ liệu của các trường để lựa chọn.

Năm vừa qua, khi bắt đầu triển khai Thông tư 25, một số tỉnh dựa theo kết quả lựa chọn của đa số các trường, chỉ chọn 1 bộ sách để dễ quản lý về mặt chuyên môn. Nhưng điều này lại dẫn đến bất cập là các bộ sách khác không được chọn, SGK thiếu đa dạng.

“Quy định của Bộ GD&ĐT là mở, các tỉnh có thể chọn nhiều bộ SGK. Nếu các tỉnh tôn trọng ý kiến của cơ sở một cách tuyệt đối, chọn tất cả các bộ sách thì Thông tư 25 không để làm gì”, ông Đức nêu bất cập.

Về mặt lý thuyết, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho rằng, các bộ sách đã được Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT xem xét và được Bộ trưởng phê duyệt để sử dụng đều đạt yêu cầu về các tiêu chí cho các cơ sở giáo dục địa phương sử dụng trong năm học. Tiêu chí chủ yếu để chọn là đánh giá xem sách có phù hợp với địa phương không. Để biết có phù hợp không, phù hợp đến mức nào thì trường lựa chọn là phù hợp nhất. Nên để tỉnh lựa chọn cũng không hợp lý.

“Một là giao cho trường, hoặc là giao cho tỉnh chọn sách. Chứ Hội đồng tỉnh đi hợp pháp hóa lựa chọn các trường là không có ý nghĩa”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, các địa phương nên lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa để đưa vào sử dụng chứ không nên cứng nhắc sử dụng một bộ duy nhất. Đồng thời, hãy để nhà trường và giáo viên trực tiếp giảng dạy được lựa chọn sách để họ biết được đâu là bộ sách phù hợp với điều kiện của học sinh và địa phương đó.