Vì sao giá xăng dầu tại Nghệ An có sự chênh lệch?

378

So với giá niêm yết của cơ quan Nhà nước qua các kỳ điều chỉnh, giá xăng dầu tại Nghệ An luôn cao hơn. Điều này khiến nhiều người dân băn khoăn về vấn đề chênh lệch giá.

Tại kỳ điều chỉnh mới đây vào 15 giờ ngày 1/8, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng E5 RON 92 về 24.620 đồng/lít (giảm 450 đồng/lít), xăng RON 95-III là 25.600 đồng/lít (giảm 470 đồng/lít), dầu diesel là 23.900 đồng/lít (giảm 950 đồng/lít). Dầu hỏa có mức giá mới là 24.530 đồng/lít (giảm 710 đồng/lít), dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.

Dù ở gần khu Lọc hóa dầu Nghi Sơn, có những Tổng kho xăng dầu lớn nhưng toàn tỉnh Nghệ An vẫn được xếp vào vùng 2 về giá xăng dầu.

Thế nhưng, ở Nghệ An giá xăng dầu lại cao hơn so với mức giá mà liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố. Ghi nhận của phóng viên, sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới đây trên địa bàn TP Vinh cho thấy, mức giá bán lẻ được niêm yết tại các cây xăng cao hơn. Cụ thể, giá bán lẻ xăng E5 RON 95-III là 26.590 đồng/lít, xăng E5 RON 92-II là 25.570 đồng/lít, dầu diesel là 25.340 đồng/lít.

Như vậy, so với mức giá liên Bộ điều chỉnh vào chiều 1/8 vừa qua thì người tiêu dùng tại Nghệ An vẫn phải bỏ thêm gần 1 nghìn đồng /1 lít xăng E5 RON 95-III, còn với xăng E5 RON 93-II cũng gần 1 nghìn đồng/lít và dầu diesel là hơn 800 đồng/lít.

“Người dân thấy giá xăng dầu như vậy rất băn khoăn nhưng không biết vì sao? Thấy thông báo giảm mà đi mua thấy không đúng như giá công bố. Chúng tôi không rõ vùng 1, vùng 2 nhưng chỉ mong Nhà nước xem xét điều chỉnh hợp lý giá xăng dầu trên địa bàn Nghệ An, vì nó ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của Nhân dân”, chị Nguyễn Tú Anh (phường Trường Thi, TP Vinh) bộc bạch.

Lý giải vấn đề vì sao có sự chênh lệch giá bán lẻ như trên so với giá liên Bộ điều chỉnh, ông Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Xăng Dầu Nghệ An cho biết: Địa bàn tỉnh Nghệ An thuộc vùng 2, theo quy định mức giá vùng 2 sẽ cao hơn mức giá vùng 1. Cụ thể, vùng 2 được xem là những địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều chỉnh. Giá bán xăng dầu thực tế tại địa bàn vùng 2 được tăng thêm tối đa không quá 2% so với giá điều hành công bố tại cùng thời điểm.

“Liên Bộ Công thương – Tài chính đã công nhận 48 địa phương trong toàn quốc bán giá vùng 2, tăng hơn 2% so với giá điều chỉnh, trong đó có Nghệ An. Cách xác định giá vùng 2 do các đầu mối, họ phải làm việc trực tiếp với liên Bộ. Là công ty trực thuộc, do đó khi Tập đoàn có văn bản điều chỉnh thì phía công ty phải thực hiện giá theo thông báo giá tới các công ty thành viên.”, ông Tuấn nói.

Theo Sở Công thương tỉnh Nghệ An thì cần phải xem xét lại cái tính giá xăng dầu khi đưa Nghệ An vào vùng 2, khiến đơn giá chênh lệch gây nên nhiều băn khoăn từ phía người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề chênh lệch giá nêu trên, trao đổi với phóng viên ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết: Đơn vị cũng từng có kiến nghị tới Quốc hội, Chính Phủ và các Bộ, ngành về vấn đề này, tuy nhiên chưa được chấp thuận. Cụ thể, nội dung kiến nghị tại văn bản số 701/SCT-KHTCTH ngày 15/5/2018 nêu rõ nội dung: “Xăng dầu là mặt hàng nhà nước quản lý về giá nhưng hiện nay người dân tại Bắc miền Trung vẫn đang phải mua giá xăng dầu cao hơn 2% so với các khu vực trung tâm. Việc này vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và là một trong những nguyên nhân khách quan gây nên tình trạng gian lận đo lường, chất lượng hàng hóa… Vậy, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo các Tổng công ty xăng dầu điều chỉnh chi phí vận chuyển bao gồm trong giá bán xăng dầu để thống nhất giá bán trong cả nước”.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Thực tế Nghệ An là tỉnh rất rộng, nếu đi từ TP Vinh lên một số huyện miền núi xa hơn và khó khăn hơn từ TP Vinh ra Hà Nội rất nhiều. Do đó, để tỉnh Nghệ An thuộc diện vùng 2 trong câu chuyện tính giá xăng dầu như đã nêu sẽ đúng cho các huyện miền núi, vùng cao như: huyện Tương Dương, Quế Phong… còn các huyện vùng đồng bằng như: TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hoàng Mai… dựa trên các cơ sở về điều kiện có thể kiến nghị này hợp lý khi sửa đổi cho tỉnh Nghệ An với câu chuyện phân vùng giá xăng dầu. Vì vậy, nên điều chỉnh và áp dụng phân rõ 2 vùng cho Nghệ An. Cụ thể, những huyện đồng bằng cho chuyển sang vùng 1, những huyện miền núi vẫn để vùng 2, điều này sẽ hợp lý.”

Theo số liệu thống kê, hiện Nghệ An có mức tiêu thụ xăng dầu trung bình mỗi tháng khoảng 800.000m3. Đó là con số không hề nhỏ nếu được tính với giá cao hơn 2% mức giá liên Bộ đưa ra. Vậy câu hỏi được đặt ra là, Nghệ An có Tổng kho xăng dầu với sức chứa lớn, gần Khu Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Như vậy có được xem là thực sự xa đầu mối, kho cảng và các chi phí tăng cao hơn để rồi thuộc diện vùng 2 về giá bán xăng dầu? Do đó, cơ quan hữu quan cần quan tâm giải quyết vấn đề phân vùng nêu trên để người tiêu dùng yên tâm, hết băn khoăn với vấn đề chênh lệch giá.

Khoản 2, Điều 38 quy định về Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, ngày 1/11/2021 nêu rõ: 2. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.