V-League và bài học từ thảm kịch bóng đá Indonesia

206

Bóng đá Indonesia đang ở vào những thời khắc tăm tối nhất sau thảm kịch diễn ra tại sân Kanjuruhan. Như một lời cảnh tỉnh khiến tất cả chúng ta phải “giật mình” và nghiêm túc xem xét lại công tác an ninh, đặc biệt là V-League vốn cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Chứng kiến những gì đang diễn ra với bóng đá Indonesia suốt 24 giờ qua, cả Đông Nam Á và toàn thế giới chỉ còn biết ngỡ ngàng. Ít ai ngờ, màn so tài giữa Arema FC và Persebaya trên sân vận động Kanjuruhan lại là khởi đầu cho một bi kịch trong lịch sử bóng đá xứ vạn đảo. Biển người hâm mộ đã xảy ra xô xát và các đám đông liên tục hò hét, cản trở lối ra. Chính điều này đã khiến các nạn nhân tử vong do ngạt thở và giẫm đạp lên nhau, khiến hơn 300 người chết và bị thương. Một ngày buồn của bóng đá Indonesia và đồng thời là lời cảnh báo thực sự với các nền bóng đá khác trên thế giới về chuyện an ninh sân cỏ.

Nhìn từ sự kiện đó, bản thân Việt Nam cũng cần có sự cảnh tỉnh, bởi hệ thống an ninh của chúng ta vốn chưa phát huy hết vai trò của mình. Minh chứng đâu xa khi ở ngay mùa giải năm nay, hết chuyện NHM Hải Phòng đốt pháo sáng, cổ động viên quá khích lao vào sân “phun mưa” trọng tài, cho đến các ngôi sao HAGL như Công Phượng, Tuấn Anh cũng bày tỏ sự phàn nàn về công tác an ninh ở sân Lạch Tray…, Tất cả đều tạo nên những bất cập mà BTC V-League cần nghiêm túc chỉnh đốn và có những điều chỉnh nhất định.

Chúng ta đang cố gắng hướng đến một V-League chuyên nghiệp và bài bản hơn. Công tác chuyên môn vốn đã cho thấy những điểm tích cực khi sự đầu tư và cạnh tranh giữa các thế lực của giải đấu đang ngày càng hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có 2 mặt và V-League vẫn còn những điểm cần phải cải thiện, đặc biệt là trọng tài và công tác an ninh. Vấn đề trọng tài vốn là chủ điểm gây ra nhiều tranh cãi suốt từ đầu giải đến nay, trong khi đó công tác an ninh cũng cần được lưu tâm, đặc biệt là sau thảm kịch tại Indonesia càng khiến chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại.

Bóng đá Indonesia đang ở vào những thời khắc tăm tối nhất sau thảm kịch diễn ra tại sân Kanjuruhan. Ảnh: Reuters

Có cảm giác, hệ thống và lực lượng an ninh tại các sân cỏ V-League vẫn còn rất “lỏng lẻo”. Minh chứng từ chuyện Hải Phòng đốt pháo sáng, vốn đã được cảnh báo từ trước và bản thân NHM đội bóng đất Cảng đã có tiền lệ nhiều lần bất chấp thực hiện. Rốt cuộc, mọi thứ vẫn diễn ra theo như kịch bản không ai mong muốn. Trong trường hợp đó, người ta sẽ tự hỏi, vòng an ninh ở đâu khi những quả pháo sáng ấy lọt vào trong sân? Hay chuyện trọng tài Hoàng Ngọc Hà bị một cổ động viên “hiên ngang” chửi bởi và có hành vi khiếm nhã, trách nhiệm của lực lượng an ninh khi ấy ở đâu? Là cổ động viên sao có thể dễ dàng xuống sân để tiếp cận với các cầu thủ cũng như tổ trọng tài như vậy?

Bạo loạn đã từng xảy ra trên sân Vinh năm 2008, trước, trong và sau trận đấu giữa SLNA và Hải Phòng. CĐV đã tràn xuống sân Vinh ẩu đả, khiến lực lượng an ninh bất lực. Sau đó, xô xát xảy ra ở ngoài sân khiến 1 CĐV bị chết vì xe cán, căng thẳng kéo dài hàng chục km.

Rất nhiều bất cập và trên thực tế đã gây ra nhiều sự cố đáng quên, sẽ là những vết gợn khó gột rửa và để lại ấn tượng xấu trong lịch sử V-League. Tựu trung, sau thảm kịch tại Indonesia, phải chăng chúng ta đã quá thờ ơ với những gì đang diễn ra tại V-League hiện tại. Sự cố là điều không ai muốn nhưng việc chú trọng thực hiện những thay đổi mang tính cách mạng nhằm hạn chế những rủi ro ở mức cao nhất vẫn là điều chúng ta chưa thực sự làm tốt. Sẽ cần thời gian, tiền bạc và cả những quá trình để tiến đến một V-League toàn diện hơn.

Bóng đá từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với hàng triệu NHM trên toàn thế giới, Khán giả Việt Nam vốn cũng rất yêu bóng đá và luôn bày tỏ sự cuồng nhiệt của mình ở mọi thời điểm, chỉ là, sự cuồng nhiệt ấy đôi khi đi quá giới hạn và tạo nên những hệ lụy không đáng có. Tất nhiên, cảm xúc thắng thua trong bóng đá là điều khó tránh khỏi nhưng không thể lấy đó làm lý do cho những hành động bộc phát, nông nổi và rồi đề lại hậu quả lâu dài không thể bù đắp.

Xem bóng với sự cổ vũ cuồng nhiệt nhưng cũng phải đảm bảo an toàn là điều mà không chỉ V-League mà toàn bộ các nền bóng đá trên thế giới đều hướng đến. Hãy để những cảm xúc được vẹn nguyên trên sân cỏ và tiếp tục ủng hộ một cách văn minh nhất.