Dự báo, bơ sẽ là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất trên thị trường toàn cầu vào năm 2030.
Theo Báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 (OECD‑FAO Agricultural Outlook 2021‑2030) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất trong 10 năm tới.
Sản xuất và tiêu thụ quả bơ trên toàn cầu đang liên tục tăng mạnh.
FAO đánh giá, chuối và 4 loại trái cây nhiệt đới là xoài, dứa, bơ và đu đủ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp thế giới, đặc biệt là trong việc đảm bảo dinh dưỡng và sinh kế của các nông hộ nhỏ.
Nhu cầu toàn cầu về trái cây toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng, và bơ được dự báo sẽ trở thành loại trái cây nhiệt đới được giao dịch nhiều nhất vào năm 2030, đạt 3,9 triệu tấn xuất khẩu và vượt qua cả dứa và xoài về số lượng.
Với đơn giá bơ trung bình cao, tổng giá trị xuất khẩu bơ toàn cầu có thể sẽ đạt khoảng 8,3 tỷ USD, do đó quả bơ sẽ trở thành một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu có giá trị.
Quả bơ sẽ trở thành loại cây được xuất khẩu nhiều nhất trong 10 năm tới.
Mexico đang là thị trường sản xuất và xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới. Dự báo sản lượng quả bơ của Mexico tăng trưởng bình quân 5%/năm trong vòng 10 năm tới. Xuất khẩu quả bơ của Mexico tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh tại Mỹ – thị trường nhập khẩu bơ lớn nhất thế giới hiện nay.
Bên cạnh thị trường Mỹ, nhập khẩu quả bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như ở Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông.
Tại Việt Nam, bơ được trồng tại nhiều địa phương, với nhiều giống bơ ngon, chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc. Giá quả bơ lên xuống thất thường do đầu ra không ổn định khiến nông dân nhiều phen điêu đứng. Hiện, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại để tìm thị trường xuất khẩu cho loại trái cây này./.