Tín dụng đen tràn về nông thôn Nghệ An

312

Tín dụng đen không chỉ xuất hiện ở thành phố lớn, khu dân cư mà đang len lỏi đến từng ngõ ngách vùng nông thôn Nghệ An, gây bất ổn cho xã hội.

Xóa nhiều băng nhóm hoạt động tín dụng đen

Tỉnh Nghệ An từ lâu đã nằm trong “bản đồ” của các đối tượng tín dụng đen. Hoạt động này ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn len lỏi về các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.

Các băng nhóm tín dụng đen đánh trúng tâm lý của người vay như thời gian cho vay nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, trong khi nhu cầu vay vốn trong dân và cả doanh nghiệp nhỏ khá lớn, nhưng lại rất khó để tiếp cận. Với những lời mời chào rất “bùi tai” như không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập, chỉ cần gọi điện hay nhắn tin là có tiền ngay với lãi suất thấp, các đối tượng cho vay tín dụng đen đã khiến nhiều người chủ yếu là người nghèo sập bẫy.

51 đại lý của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước đã bị lực lượng công an tỉnh Nghệ An đồng loạt triển khai bắt, khám xét. (ảnh tư liệu Công an tỉnh Nghệ An)

Điển hình như ngày 11/7/2021, Công an TP. Vinh chủ trì, phối hợp Phòng PA05 Công an tỉnh, Công an các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, TX. Cửa Lò, TX. Hoàng Mai huy động hơn 300 cán bộ, chiến sỹ đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở đối với 4 nhóm, 52 đối tượng trú tại TP. Vinh, các huyện Diễn Châu, Anh Sơn, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Tân Kỳ, Đô Lương, TX. Cửa Lò và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thu hơn 5 tỷ đồng, 960 hợp đồng mua bán xe (hợp đồng cho vay), 3 xe ô tô, 20 xe máy, 96 điện thoại di động, 50 máy tính, 20 USB, 24 con dấu, 158 biển kiểm soát xe ô tô; phong tỏa 24 tài khoản ngân hàng. Quá trình đấu tranh bước đầu xác định: Các nhóm đối tượng trên đã cho vay tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng, với lãi suất từ 3.000 đồng đến 8.000đồng/ 1 triệu/1 ngày, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Lực lượng công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 52 bị can, trong đó đã tạm giam 43 đối tượng.

Hay vào ngày 15/12/2021, Công an TP. Vinh chủ trì, phối hợp với công an các tỉnh, thành phố, khám xét khẩn cấp đối với 51 cơ sở văn phòng đại diện của Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, bắt giữ 22 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Quá trình đấu tranh, Cơ quan điều tra đã chứng minh, làm rõ được số tiền các đối tượng sử dụng để cho vay là hơn 1.000 tỷ đồng, với hơn 10.000 người bị hại trên khắp cả nước, mức lãi suất cao nhất là 5.000 VNĐ/1 triệu/ngày tương đương gần 200%/ năm, phong tỏa 56 tài khoản ngân hàng, thu giữ hàng nghìn tài liệu và các vật chứng liên quan.

Riêng tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An từ ngày 21/4/2022 đến 9/5/2022, lực lượng công an đã tiến hành bắt 11 vụ, 11 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; thu giữ 12 điện thoại di động và nhiều giấy tờ, hợp đồng liên quan đến việc cho vay tiền của các đối tượng. Quá trình đấu tranh đã xác định, từ giữa năm 2021 đến thời điểm bị bắt giữ, 11 đối tượng nói trên đã tiến hành cho nhiều người dân vay với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng, với lãi suất từ 3.000 – 5.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày (tương đương từ 108 – 180%/năm); thu lợi bất chính hơn 8 tỷ đồng.

Từ ngày 15/4/2019 đến ngày 14/4/2022, tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 121 vụ, 227 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý vi phạm hành chính 21 vụ, 23 đối tượng. Bắt, khởi tố 5 vụ, 6 bị can về các hành vi có liên quan đến tín dụng đen như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Kết thúc điều tra chuyển 109 vụ, 138 bị can đến Viện Kiểm sát nhân dân các cấp để truy tố (đã truy tố 102 vụ, 184 bị can). Toà án nhân dân tỉnh đã thụ lý 112 vụ, 198 bị can; đưa ra xét xử 107 vụ, 191 bị can.

Đặc biệt thời điểm hiện nay, lợi dụng sự phát triển của công nghệ, nhiều đối tượng còn sử dụng các app (ứng dụng) cho vay trực tuyến để qua mặt cơ quan chức năng. Việc vay tiền bằng hình thức này rất dễ dàng, không cần thế chấp khiến nhiều người mắc “bẫy”.

Theo công an các địa phương, hoạt động tín dụng đen không chỉ vi phạm trên lĩnh vực cho vay lãi nặng gây bức xúc cho nhiều người dân mà còn là nguy cơ gây bất ổn xã hội do các đối tượng tạo băng nhóm để đòi nợ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…

Ngăn nạn tín dụng đen hoành hành

Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, không chỉ ở thành phố, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn cũng phải vào cuộc để xử lý mạnh tay tình trạng hoạt động của nạn tín dụng đen. Theo đó, các lực lượng chức năng các địa phương phải chủ động xây dựng phương án để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, không để hình thành những điểm “nóng” phức tạp.

Tình trạng tín dụng đen tại các tỉnh miền Trung vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày một tinh vi. ( ảnh tư liệu công an tỉnh Nghệ An)

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh Nghệ An đã thành lập 54 đoàn, kiểm tra 377 lượt và 408 cơ sở, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 99 cơ sở. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An triển khai 91 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức tín dụng. Qua thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng với tổng số tiền 371,1 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan chức năng, do khó khăn về kinh tế vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài, các đối tượng tiếp tục lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và lòng tham của một bộ phận người dân để huy động vốn với lãi suất cao nhằm mục đích lừa đảo với số tiền lớn dưới các hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, tham gia họ, hụi… Ngoài ra, số đối tượng đi vay sử dụng tiền đi vay để đầu tư kinh doanh hoặc tham gia các tệ nạn xã hội tiếp tục tìm đến các tín dụng đen còn tiềm ẩn lớn.

Ngoài sử dụng các hình thức truyền thống như, ngụy trang việc cho vay bằng sử dụng hợp đồng thuê tài sản, việc trả lãi thể hiện qua trả tiền thuê; cắt lãi trước, không ghi lãi vào hợp đồng… Các đối tượng sẽ tăng cường sử dụng mạng internet, các phần mềm quản lý để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội, chủ yếu là hình thức vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại di động (App)… Bên cạnh đó, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng lập hàng trăm bát phường cho mọi người tham gia, thời gian 1 kỳ phường ngắn với số tiền 1 kỳ đóng lớn dẫn đến vỡ hụi gây nhiều hệ lụy xã hội.

Tỉnh Nghệ An cũng vừa kiến nghị Chính phủ bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp cho vay tiền không có cầm cố tài sản (hình thức tín chấp). Bởi để xử lý hành chính hành vi cho vay lãi nặng bắt buộc phải có 2 yếu tố là “Cho vay tiền có cầm cố tài sản” và “lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”.

Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước, hiện có 2 hình thức cho vay là thế chấp và tín chấp, trong đó, hình thức thế chấp là có yếu tố đảm bảo bằng tài sản, còn tín chấp thì không. Trên thực tế, đối tượng thực hiện tín dụng đen thường cho vay dưới hình thức tín chấp không có tài sản đảm bảo. Do đó, việc xử lý hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng đối với đối tượng hoạt động tín dụng đen còn gặp khó khăn.

Thêm đó, cần có hướng dẫn rõ hơn về hoạt động tham gia phường, hụi, đặc biệt là hướng dẫn xử lý hành vi đối với hành vi này khi vi phạm để xử lý răn đe; đề nghị có quy định cụ thể các khoản được thu trong hoạt động cho vay cầm đồ để tránh tình trạng cho vay cầm đồ hoạt động tín dụng đen.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu Chính phủ có chính sách xây dựng cơ chế xếp hạng chấm điểm tín dụng cho cá nhân để làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, cá nhân, hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức tín dụng trong việc triển khai các sản phẩm cho vay không có tài sản đảm bảo.