Trong trận lũ quét kinh hoàng tại huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) vào ngày 2.10, Nhà máy thủy điện Bản Cánh tại xã Tà Cạ cũng bị hư hại nghiêm trọng.
Nhà máy thủy điện Bản Cánh tại xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) bị hư hại nghiêm trọng do lũ quét. Ảnh: QH
Thông tin ghi nhận từ hiện trường cho thấy đường ống Nhà máy thủy điện Bản Cánh bị đứt làm đôi, nhiều tảng đá từ trên cao rơi xuống phá hỏng đường ống dẫn nước, bùn đất tràn vào trong tổ máy phát điện số 3. Hiện nhà máy đang phải ngừng hoạt động. Đoạn đường đi qua thủy điện Bản Cánh kéo dài hơn 100m bị tắc, chưa thể giải toả.
Bùn đất tràn vào trong nhà máy thủy điện Bản Cánh. Ảnh: QH
Hiện trạng các ngọn đồi núi xung quanh đều không còn rừng, chỉ còn những bụi cây nhỏ, cho thấy rừng đã bị mất từ lâu. Kỳ Sơn là huyện biên giới, miền núi, trước đây khu vực này vốn là rừng nguyên sinh, nay hầu như đã thành bình địa.
Thủy điện bị lũ quét tàn phá, nhưng thực tế việc thi công các dự án thủy điện đã góp phần làm mất rừng. Mất rừng là nguyên nhân chính gây ra lũ quét, lũ ống. Do đó, thủy điện cũng là một trong những nguyên nhân gây ra lũ quét.
Trên địa bàn xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, có đến 3 nhà máy thủy điện là thủy điện Bản Cánh, Nậm Mô, Nậm Cắn 2. Cả 3 dự án này cùng nằm trong khoảng 1km ở sông Nậm Mộ.
Nhà máy thủy điện Bản Cánh đang phải tạm ngừng hoạt động. Ảnh: QH
Theo lãnh đạo xã Tà Cạ, dù địa bàn có nhiều nhà máy thủy điện như thế nhưng đến nay 3 bản của xã vẫn chưa có điện lưới khiến quá trình phát triển kinh tế – xã hội rất khó khăn.
Quá trình hoạt động của các nhà máy thủy điện cũng gây bức xúc cho người dân về nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng cuộc sống. Quá trình vận hành, tích nước hồ thủy điện đã có nhiều hộ dân ở các bản Nhãn Lỳ, Nhãn Cù của xã Tà Cạ sinh sống ở gần lòng bờ hồ thủy điện bị ảnh hưởng, đặc biệt là gần 10 hộ dân sinh sống dọc sông Nậm Mộ.
Rừng nơi thượng nguồn suối Huồi Giảng (bắt nguồn của trận lũ quét vào sáng 2.10 tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã bị cạo trọc. Ảnh: TL
Cử tri các xã Nậm Cắn, Tà Cạ cũng đã nhiều lần kiến nghị: Từ khi Nhà máy Thủy điện Nậm Cắn, Thủy điện Nậm Mô đi vào hoạt động đến nay đã làm giảm diện tích đất canh tác sản xuất, chăn nuôi của người dân.
Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết quá trình hoạt động của các dự án thủy điện trên địa bàn gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến dân sinh.
Đặc biệt, huyện Kỳ Sơn có đến 8 dự án thủy điện. Trên phạm vi toàn tỉnh Nghệ An, con số này là 32. Đến nay, đã có hơn một nửa trong số 32 nhà máy thủy điện được cấp phép đã hoạt động. Các dự án đang được triển khai xây dựng cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000 ha đất khác.
Mấy năm gần đây, thiên tai liên tiếp xảy ra, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Vấn đề bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân được đặt ra một cách cấp thiết.
Thủy điện cũng là một hoạt động kinh tế quan trọng, nhưng làm gì để hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và sinh kế của cộng đồng dân cư nơi đặt nhà máy là bài toán cần có lời giải từ các nhà quản lý và lập pháp.
Nếu không, người dân bản địa luôn luôn chịu thiệt thòi, trong khi lợi nhuận từ dự án thủy điện chỉ rơi vào một nhóm lợi ích.