Hiếm có kỳ họp Quốc hội nào mà cử tri là công chức, viên chức, người lao động trong khu vực nhà nước lại mong đợi như Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Đơn giản là bởi tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến ra quyết sách liên quan đến cơm-áo-gạo-tiền của khu vực đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước sau 3 lần trì hoãn, khiến lương cơ sở vẫn giậm chân tại chỗ với mức 1,49 triệu đồng/tháng.
Kể từ lần điều chỉnh lương cơ sở gần nhất (ngày 1/7/2019) đến nay, giá những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau quả, thiết bị gia dụng… không chịu đứng yên như lương cơ sở. Hệ quả là, từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có khoảng 40.000 công chức, viên chức phải đi đến một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời là xin nghỉ việc. Đặc biệt là trong hai lĩnh vực quan trọng gồm giáo dục và y tế, đã có tổng cộng 28.600 công chức, viên chức rời bỏ công việc, rời bỏ chỗ làm mà họ và gia đình họ từng tự hào. Đây là tình trạng chưa từng xảy ra.
Trên thực tế, nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, nên thu nhập bình quân của người lao động trong 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 6,6 triệu đồng/tháng, tăng 12,4% (tương ứng tăng 727.000 đồng/tháng) so với cùng kỳ năm 2021. Còn so với năm 2019 – thời gian đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong 9 tháng đầu năm nay tăng khoảng 12%, với con số tuyệt đối là 693.000 đồng/tháng.
Nhưng điều đáng nói là trong số những lao động có mức tăng thu nhập đó lại vắng bóng lực lượng công chức, viên chức vì lương cơ sở vẫn giữ nguyên. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng, vì trong khi thu nhập của lao động ở khu vực ngoài nhà nước, kể cả lao động nông nghiệp, có năng suất thấp nhất, vẫn tăng hơn nửa triệu đồng mỗi tháng so với cùng kỳ năm 2019, thì thu nhập của công chức, viên chức là người lao động trong khu vực công lại không được cải thiện.
Kể từ năm 2016, định kỳ cứ đến ngày 1/7, lương cơ sở lại được điều chỉnh tăng. Dù chỉ tăng chút ít, nhưng cũng khiến người làm việc ở khu vực công “ấm lòng”, bởi đó là sự quan tâm của Nhà nước đối với người làm công. Nhưng đại dịch bất ngờ ập đến, thu ngân sách đã khó lại càng khó thêm do tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, Nhà nước phải sử dụng tối đa mọi nguồn lực tài chính hiện có để chống dịch, ổn định đời sống nhân dân, nên khi đó công chức, viên chức cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc vì thu nhập thấp không diễn ra.
Khi dịch bệnh Covid-19 dần lui, kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục, đặc biệt là trong quý III/2022, GDP tăng trưởng ở mức cao nhất trong lịch sử (13,67%). Nhờ đó, ngân khố quốc gia năm nay dự kiến vượt thu 202.400 tỷ đồng, bội chi năm nay giảm khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán. Vì thế, không thể tiếp tục lùi việc tăng lương cơ sở và cải thiện thu nhập cho người làm công ở khu vực nhà nước.
Bộ Tài chính – cơ quan giữ ngân khố quốc gia đã tính đến phương án tăng lương cơ sở khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với dự kiến dành khoảng 60.000 tỷ đồng không chỉ để tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, mà còn tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho một số đối tượng khác.
Việc có tăng lương cơ sở hay không, tăng bao nhiêu, tăng ở thời điểm nào sẽ do Quốc hội quyết định khi thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Song cử tri là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tin rằng, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định chính xác, bởi dành ra 60.000 tỷ đồng trong số 202.400 tỷ đồng thu ngân sách vượt dự toán năm 2022 cũng không phải là nhiều. Hơn nữa, nếu tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, tăng trợ cấp xã hội cho tất cả đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng, thì năm 2023, mức bội chi chỉ tương đương 2,89% GDP – thấp rất xa so với ngưỡng bội chi 4% GDP trong kế hoạch tài chính trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.