SLNA: Sống hay ‘ăn mày dĩ vãng?’

451

Những thay đổi mạnh mẽ của SLNA mùa này đã giúp cho các CĐV xứ Nghệ khấp khởi. Vậy mà khi đội bóng xứ Nghệ đổi thay cái logo, có rất nhiều người cảm thấy buồn và cả sự bất an.

Ở Việt Nam, chuyện CLB nọ thay tên đổi họ khi chuyển hộ khẩu, hay khi có một nhà tài trợ mới đã quá đỗi bình thường. Cho nên, chuyện SLNA thay đổi bộ nhận diện mới cũng chẳng có gì bất bình thường. Câu chuyện ở đây, khi khoác lên chiếc áo mới, SLNA gần như đã “xoá bỏ” cái logo đã được vẽ cách đây gần 20 năm. Với một số CĐV sống hoài niệm, nhớ thương những giá trị cũ, họ cho rằng, đấy là điều không nên chút nào.

Một quan điểm khác, SLNA là đội bóng có đặc thù riêng biệt, nặng tính địa phương và nó là niềm tự hào của người dân, nhà tài trợ chỉ là một phần nên bao năm SLNA chỉ gắn tên chứ không đổi tên. Lại có người cho rằng, chỉ cần đội bóng “sống khoẻ” thì nên có một cuộc cách tân thay vì lối cũ ta về. Tất cả đều có lý và đủ lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.

Bóng đá có những sợi dây xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Cái sợi dây ấy giúp cho SLNA trở thành một đội bóng giàu bản sắc bậc nhất Việt Nam. Suy cho cùng câu chuyện cũng nằm ở vấn đề tài chính. Người ta không thể “ăn mày dĩ vãng” nhưng cũng không thể “vác súng lục bắn vào quá khứ”. Sông Lam cần một chiến lược dài hơi cho bóng đá chứ không phải sau vài ba năm lại “khẩu chiến” vì một cái logo mới, với một nhà tài trợ mới. Đến bây giờ, người ta vẫn tự hỏi: Tầm nhìn của SLNA là gì? cho 3, 5 hay 10 năm?