Siêu thị TP.HCM tăng thời gian mở cửa; hàng quán được bán nhưng vẫn dè dặt

207

Ngay sau chỉ đạo của TP.HCM, nhiều hệ thống siêu thị đã tăng thêm thời gian mở cửa đến 21 giờ hằng ngày. Trong khi đó, các hàng quán dù đã được bán mang về song vẫn e dè khi hoạt động trở lại.

Siêu thị mở cửa đến 21 giờ

Kể từ ngày 8.9, TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được hoạt động từ 6 – 21 giờ hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân. Đây được xem là tín hiệu vui cho ngành bán lẻ khi nhu cầu đi chợ hộ tăng cao thời gian qua và việc giao hàng cũng gặp nhiều khó khăn do hạn chế thời gian hoạt động cũng như lực lượng shipper.

Ngay sau chỉ đạo này, hàng loạt siêu thị tại TP.HCM đã có thông báo điều chỉnh thời gian mở cửa đến 21 giờ hàng ngày. Điển hình, các cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP.HCM đã cập nhật lại thời gian hoạt động của từng điểm bán. Theo đó, hệ thống các cửa hàng Bách Hoá Xanh sẽ mở từ 6 giờ 30 và đóng lúc 21 giờ mỗi ngày. Bách Hóa Xanh cũng đã làm việc với nhà cung cấp, có thể tăng gấp đôi nguồn hàng tươi sống, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Các siêu thị thuộc hệ thống MM Mega Market tại TP.HCM gồm các Mega Market An Phú, Bình Phú, Hiệp Phú, Hưng Phú sẽ hoạt động từ 6 giờ 30 đến 21 giờ mỗi ngày. Siêu thị này cam kết đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cùng các sản phẩm thiết yếu với giá cả ổn định tới người dân thông qua các ban ngành đoàn thể.

Trong khi đó, đại diện hệ thống Saigon Co.op (đơn vị sở hữu các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…) cho biết việc TP.HCM cho phép các siêu thị mở cửa hoạt động đến 21 giờ hằng ngày sẽ giúp việc gom hàng, phân phối và giao tận nhà người dân trở nên nhanh chóng hơn. Đồng thời, việc này còn giải quyết nhanh các đơn hàng còn tồn đọng, rút ngắn thời gian giao hàng. Đặc biệt, nguồn hàng của hệ thống này vẫn dồi dào, giá cả ở mức ổn định, thậm chí có mặt hàng bán dưới giá thành để phù hợp sức mua.

Tương tự, hệ thống cửa hàng VinMart, Vinmart+ với gần 500 siêu thị và cửa hàng tại TP.HCM đang liên kết với các đối tác giao hàng công nghệ để giao hàng đến người dân. Trong 2 tuần qua, hệ thống này cũng đã phục vụ cho nhu cầu khách hàng lẻ thông qua kênh đặt hàng trực tuyến.

Nhiều siêu thị TP.HCM tăng thời gian mở cửa để rút ngắn thời gian giao hàng cho người dân – Ảnh: Tấn Thanh

Đáng chú ý, dù tăng thời gian mở cửa song đại diện một số siêu thị cho biết chưa có văn bản hướng dẫn cho nhân viên làm việc tại những nơi này được ra đường đến 21 giờ. Do vậy, hiện tại một số siêu thị vẫn hoạt động với thời gian cũ để nhân viên không bị xử phạt. Trong những ngày tới, tùy tình hình thực tế về quy định đi đường cho nhân viên và lượng đặt hàng, nhiều siêu thị sẽ tăng dần thời gian mở cửa bán hàng.

Ngoài ra, thời gian qua, các hệ thống siêu thị đang có tình trạng chậm giao hàng do bị quá tải. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói rằng sẽ rà soát lại hệ thống phân phối để hỗ trợ giấy đi đường cho nhà cung ứng nhằm bảo đảm nhu cầu.

Hàng ăn uống vẫn dè dặt khi được phép bán cho khách mang về

Từ ngày 8.9, TP.HCM cũng chính thức cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper được phép hoạt động.

Tuy nhiên, đến nay, các hàng quán mở lại kinh doanh còn rất ít do gặp nhiều khó khăn về người làm, nguyên liệu, shipper và sức mua khó cao như kỳ vọng. Ghi nhận của Một Thế Giới tại khu phố ẩm thực quận 6 cho thấy hầu như cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn chưa hoạt động trở lại dù được bán cho khách mang về.

Trên mạng xã hội, nhiều chủ cửa hàng ở Phố ẩm thực quận 6 cho biết do chưa kịp chuẩn bị nguyên liệu và việc tìm shipper vận chuyển đến khách hàng vẫn rất khó khăn vì chỉ được giao hàng trong cùng một quận. Không chỉ thiếu shipper, mà giá ship leo thang chóng mặt cũng làm nhiều người tiêu dùng ngần ngại. Hiện nay, hầu hết các hãng đều tăng phí giao hàng, đơn cử như cự ly 3 – 5km có mức phí tới 30.000 – 40.000 đồng, cao hơn nhiều so với trước giãn cách.

Mặt khác, các quy định để hoạt động an toàn cũng khiến chủ các hàng quán này e dè. Do đó, họ vẫn tiếp tục nghe ngóng tình hình, chờ thêm thời gian chứ chưa thể mở cửa trở lại.

Ngoài ra, theo quy định, các hàng quán chỉ được bán mang về thông qua shipper chứ không bán trực tiếp cho người dân ở TP.HCM. Do vậy, từ ngày 9.9, nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ shipper như Grab, Be, Shopee Food và Baemin cũng đã mở lại dịch vụ giao thức ăn trên app. Thế nhưng số lượng hàng quán chưa mở cửa hoạt động còn rất nhiều. Tại một số quận huyện, người dùng hầu như không thể đặt được dịch vụ giao đồ ăn do không có hàng quán nào mở cửa.