Phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương xứ Nghệ

83

Sau nhiều năm hình thành và phát triển, Lễ hội Làng Sen trở thành ngày hội lớn không chỉ của người dân xứ Nghệ mà còn của cả nước; là dịp bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, lễ hội còn đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa dân tộc.

Sự kiện văn hóa độc đáo

Lễ hội Làng Sen là một sự kiện văn hóa độc đáo của xứ Nghệ, không trộn lẫn với bất kỳ địa phương nào, bởi đây là lễ hội tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên chính quê hương của Người. Năm nay, Lễ hội Làng Sen diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, tập trung tại huyện Nam Đàn và thành phố Vinh: Lễ dâng hoa, dâng hương, báo công, tưởng niệm Bác Hồ; Liên hoan Tiếng hát Làng Sen với sự tham gia của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 20 đoàn nghệ thuật quần chúng của các huyện, thành phố, thị xã; Giải bóng chuyền và võ cổ truyền toàn tỉnh; Giải Marathon “Hành trình về Làng Sen” thu hút hàng nghìn vận động viên trong và ngoài nước tham dự… Thông qua các hoạt động ý nghĩa đó, bên cạnh làm nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ hội Làng Sen cũng là dịp tôn vinh văn hóa và con người xứ Nghệ.

Về với Lễ hội Làng Sen, ngoài tình cảm thành kính dâng lên Bác, du khách thập phương còn có dịp tham quan các di tích lịch sử văn hóa, các điểm đến du lịch đặc sắc của tỉnh Nghệ An, hòa mình vào không gian văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của một vĩ nhân. Về thăm quê Bác dịp tháng Năm, những cánh đồng sen đang bung nở, tỏa hương bát ngát. Du khách được trải nghiệm các khâu thu hoạch, chế biến sen, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực và tham quan mua sắm các sản phẩm từ sen. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có việc phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giới thiệu 134 tấm gương điển hình tiên tiến trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tổ chức trưng bày Triển lãm “Âm vang Điện Biên”…

Một tiết mục trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2024.

Một trong những điểm nhấn của Lễ hội Làng Sen là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Năm nay, với chủ đề “Sáng mãi tên Người-Hồ Chí Minh”, 20 đoàn nghệ thuật quần chúng trong tỉnh đã mang đến liên hoan nhiều tiết mục đặc sắc, là bản hòa tấu ngân vang được cất lên bằng những lời ca, điệu múa ca ngợi công ơn Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước.

Tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Nghĩa Đàn thể hiện màn nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp với chủ đề “Lời ca dâng Bác”. Ông Lương Bá Viện, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: “Năm 1961, Nông trường Đông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, nay là thị xã Thái Hòa) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Tại đây, Bác đã ân cần thăm hỏi, động viên, trò chuyện với cán bộ, công nhân nông trường và bà con. Nhân dân Nghĩa Đàn luôn tự hào là mảnh đất được Bác về thăm. Chúng tôi muốn kể câu chuyện Bác Hồ với quê hương Nghĩa Đàn bằng lời ca, tiếng hát, với mong muốn kết một đài hoa dâng Bác nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người”.

Chương trình nghệ thuật “Quê hương mùa sen nở” khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024. Ảnh: THU HIỀN 

Cùng nhau tỏa sáng

Liên hoan Tiếng hát Làng Sen khởi phát năm 1981 từ một phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng. Đến năm 2002, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen được tỉnh Nghệ An nâng lên thành Lễ hội Làng Sen với quy mô cấp tỉnh tổ chức hằng năm và cấp toàn quốc 5 năm tổ chức một lần vào dịp sinh nhật Bác. Kể từ đó đến nay, lễ hội trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ.

Ông Hoàng Minh Phương, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Mỗi năm, chúng tôi đều trăn trở, xin ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa để tổ chức các chương trình ý nghĩa, hấp dẫn, làm nổi bật giá trị văn hóa Hồ Chí Minh gắn với Làng Sen và quê hương Nghệ An. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực nâng tầm lễ hội vừa dung dị, thiêng liêng như những lễ hội cổ truyền, lại vừa mang tính chất của những ngày hội lớn toàn dân tộc, truyền tải và tô thắm thêm vẻ đẹp văn hóa xứ Nghệ. Thông qua lễ hội, những giá trị văn hóa được tôn vinh, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Mặc dù những năm gần đây, Lễ hội Làng Sen được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhưng Ban tổ chức đã tích cực hợp tác với các đơn vị, địa phương trong cả nước tổ chức những sự kiện quảng bá văn hóa, hội tụ để cùng nhau tỏa sáng. Như năm 2022, tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen”; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan dân ca kịch toàn quốc. Năm 2023, kết nối với Thừa Thiên Huế-nơi Bác Hồ kính yêu và gia đình đã sống gần 10 năm thời niên thiếu tổ chức chương trình nghệ thuật; tổ chức Festival khinh khí cầu Cửa Lò 2023. Năm nay, trong đêm bế mạc Lễ hội Làng Sen (tối 19-5), Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An phối hợp thực hiện Chương trình nghệ thuật “Từ Làng Sen đến Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây không đơn thuần là một chương trình nghệ thuật quảng bá những nét đặc sắc văn hóa vùng miền mà còn thể hiện bước phát triển, nâng tầm của lễ hội. Việc hội tụ, giao lưu văn hóa giữa Nghệ An-quê hương Bác Hồ và Thành phố mang tên Người cũng như các địa phương khác, thể hiện sự gắn kết để cùng nhau phát triển, tiến tới hợp tác toàn diện về kinh tế-xã hội, du lịch, phát huy lợi thế của các địa phương nhằm đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập.