Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 – 6,5%.
Chính phủ cho biết, về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 – 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4% và bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Theo Chính phủ, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tuy có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức dự báo nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng.
Ở trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế. Ngoài ra, rủi ro lạm phát gia tăng, thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022.
Năm 2022 Chính phủ đặt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Về lĩnh vực kinh tế, các giải pháp tổng thể sẽ được triển khai nhằm kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Tiếp tục ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia, đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mới đây, nhiều tổ chức đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể giảm xuống dưới 2,5%, trước những tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.