Nhường đất cho thủy điện, vùng tái định cư gặp khó

89

Đến nay, hàng nghìn hộ dân tại 2 xã tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã về “quê mới” được gần 20 năm, nhường đất cho thuỷ điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, cũng chừng ấy năm, mong ước có thêm đất để sản xuất của người dân vẫn chưa thể thành hiện thực.


Những ngôi nhà bỏ hoang tại 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm vì người dân đi làm ăn xa. Ảnh: TH.

Ông Lô Huy Hùng – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, tổng số diện tích đất rừng của xã rơi vào khoảng 5.000ha. Tuy nhiên, diện tích này chủ yếu do Bản quản lý rừng phòng hộ quản lý, với người dân về đây tái định cư, mỗi khẩu chỉ được giao khoảng 3.000m2.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thường xuyên đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi số diện tích này để giao khoán lại cho người dân. “Nếu giao cho người dân địa phương thì sẽ tốt hơn. Người dân vừa có sinh kế, lại quản lý cũng hiệu quả. Hiện, diện tích này chủ yếu họ đã giao cho người ngoài địa phương và cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ sản xuất. Số hộ dân trên địa bàn được giao đất rừng để sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay” – theo ông Hùng.

Toàn xã Thanh Sơn hiện có hơn 1.000 lao động trên địa bàn phải đi làm ăn xa, dẫn đến nhiều ngôi nhà vắng chủ gần như cả năm trời. Tương tự xã Thanh Sơn, trên địa bàn xã Ngọc Lâm, số hộ được nhận đất rừng để sản xuất rất ít. “Để có đất rừng sản xuất, chúng tôi phải mua lại với giá từ 200 triệu đồng/ha, chứ về đây gần 20 năm nhưng đất rừng phục vụ sản xuất rất ít. Cũng vì lẽ đó mà người dân 2 xã tái định cư này đã để lại nhà cửa đi làm ăn xa, và rơi vào cảnh đìu hiu” – ông Vi Văn Tuyến, người dân xã Ngọc Lâm cho biết.

Được biết, năm 2012, Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương cũng đã có tờ trình trả lại đất. Ngay sau đó, ngày 24/5/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định về việc thu hồi đất tại các xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Cụ thể, UBND tỉnh quyết định thu hồi gần 1.800 đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất), tại 2 xã này do Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương quản lý, sử dụng để giao lại cho địa phương. Trong đó, tại xã Thanh Sơn có 969ha đất, tại xã Ngọc Lâm là 810ha đất. Tuy nhiên, đến nay sau 12 năm, chính quyền huyện Thanh Chương chỉ mới thu hồi được gần 500ha trong tổng số gần 1.800ha. Trong đó, tại xã Thanh Sơn thu hồi được 314ha, tại xã Ngọc Lâm thu hồi được 183ha để chia cho người dân sử dụng.

Cùng đó, người dân ở 2 xã tái định cư này còn mong chờ được đền bù đất trên cốt ngập khi di dời để xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Bởi, lâu nay họ chỉ được đền bù phần đất bị ngập dưới lòng hồ, diện tích đất trên cốt ngập không được đền bù. Trong khi đó, hầu hết diện tích đất sản xuất của người dân lại nằm trên cốt ngập. Dù đất đó không bị ngập nhưng cũng không thể canh tác. Ông Vi Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho rằng, việc người dân yêu cầu đền bù cho phần đất trên cốt ngập là hợp lý. “Họ không thể mang đất theo để xuống đất sản xuất, và cũng không thể di chuyển 200km lên quê cũ để canh tác, ngoài ra đường vào bị ngập hết, không thể tiếp cận đất sản xuất trên đó” – ông Chiến lý giải thêm.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ, cũng như để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, an ninh, trật tự trên địa bàn, từ năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được lập phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập Dự án Thủy điện Bản Vẽ. Ngoài đền bù đất trên cốt ngập, đến nay 2.674 hộ chuyển về khu tái định cư ở Ngọc Lâm và Thanh Sơn vẫn chưa được thực hiện công tác bồi thường giá trị chênh lệch về đất nơi đi và nơi đến.

Theo ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc thuỷ điện Bản Vẽ, việc bồi thường giá trị chênh lệch về đất nơi đi và nơi đến hiện đang rà soát. Khi nào dân có đầy đủ sổ đỏ mới tính được giá trị đất để thực hiện. Còn việc hỗ trợ đền bù trên cốt ngập thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ. “Khi Chính phủ cho phép được lập phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập Dự án Thủy điện Bản Vẽ thì tuỳ theo quy định sẽ thực hiện các bước tiếp theo” – ông Hùng nói.