Về công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT cho biết về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.
Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố 4 phương thức xét tuyển đầu vào hệ chính quy gồm: Xét tuyển thẳng (chiếm 2%), xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (chiếm 25%), xét điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội với 7 mã tuyển sinh (chiếm 3%). Chỉ tiêu cao nhất là phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường – chiếm 70% tổng chỉ tiêu.
Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngưỡng đầu vào dự kiến là 20 điểm, bao gồm điểm ưu tiên. Trường sẽ thông báo cụ thể sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội, ngưỡng đầu vào dự kiến là 18 điểm, bao gồm điểm ưu tiên.
Với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của mỗi nhóm đối tượng xét tuyển kết hợp.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng công bố sẽ tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Dự kiến sẽ có một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5.
Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ gồm tám môn: Toán, văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để xét tuyển đại học.
Nhà trường cho biết sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 lên khoảng 20 – 30% tùy ngành. Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng bốn phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Đại học Bách khoa Hà Nội năm tới xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy, ngưỡng đầu vào dự kiến là 18 điểm, bao gồm điểm ưu tiên. Với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của mỗi nhóm đối tượng xét tuyển kết hợp.
Nhà trường cũng thông tin thêm về định hướng tuyển sinh đại học chính quy trong những năm tiếp theo. Cụ thể, năm 2024, phương án tuyển sinh cơ bản giữ ổn định như năm 2023, sẽ có điều chỉnh phù hợp theo quy định, khuyến nghị của Bộ GD&ĐT, đảm bảo ít ảnh hưởng và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Từ năm 2025, trường cơ bản giữ ổn định như hiện nay về mặt chỉ tiêu. Trường chủ yếu xét tuyển kết hợp tinh giản theo hướng sử dụng kết quả các bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia hoặc các trung tâm khảo thí độc lập (nếu có), kết hợp với chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, ACT…).
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển học bạ THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Xét tuyển dựa trên kết quả thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức năm 2023; Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Kỳ xét tuyển tới, trường cũng dự kiến mở 5 ngành học mới là: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Thương mại điện tử, Luật, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Được biết, các cách thức xét tuyển đầu vào của trường sẽ thay đổi. Cụ thể, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lên khoảng 20-30%. Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường sẽ tăng lên khoảng 10-15%. Xét tuyển bằng học bạ THPT còn khoảng 30-35%, kèm theo xét tuyển học lực của thí sinh.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM dự kiến, từ ngày 1/3/2023 đến hết ngày 6/6/2023, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến đối với 2 phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng và xét tuyển học bạ THPT. Ngày 30/6/2023, nhà trường sẽ công bố kết quả học sinh đủ điều kiện vào học tại trường.
Trường Đại học Việt Đức (VGU) sẽ tuyển sinh đại học năm 2023 theo 5 phương thức.
Phương thức 1 là xét tuyển dựa vào kỳ thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS) được tổ chức vào tháng 5/2023.
Phương thức 2 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT đối với thí sinh sẽ tốt nghiệp các trường THPT tại Việt Nam trong năm tuyển sinh.
Phương thức 3 là xét tuyển thẳng đối với thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, bao gồm các thí sinh đạt giải tại cuộc thi học sinh giỏi bậc THPT cấp tỉnh/quốc gia hoặc tham gia trong cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.
Phương thức 4 là xét tuyển đối với thí sinh có bằng/chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế (IBD, A/AS-Level/IGCSE, WACE…) hoặc chứng chỉ của bài thi năng lực quốc tế (SAT, TestAS…).
Phương thức 5 là xét tuyển căn cứ trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Đặc biệt phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT của trường có sự điều chỉnh. Năm trước đó, phương thức này trường xét tuyển kết quả 6 môn, năm nay chỉ xét 5 môn trong đó có môn bắt buộc và tự chọn. Điều chỉnh này của trường một phần để dần phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.