‘Vợ yêu ơi, em ráng hết bệnh đi, tui nhớ em nhiều lắm. Ráng nghe em’. Đó là dòng tin nhắn cuối cùng mà anh Võ Văn Tươi (37 tuổi) gửi vợ, nhưng chị vĩnh viên không thể đọc được nữa.
|
“Nếu biết trước có ngày hôm nay, thì tôi sẽ không bao giờ nắm tay cô ấy lên Bình Dương. Bây giờ vợ mất rồi, tôi chẳng tha thiết điều gì nữa”, anh Võ Văn Tươi (37 tuổi, quê Hậu Giang) nói rồi bật khóc nức nở. Vừa qua, câu chuyện người đàn ông chở hài cốt vợ về quê đã khiến không ít người xúc động.
17 năm trước, anh Tươi cảm mến cô gái ở cùng quê. Nhà của cả hai chỉ cách nhau có một con sông. Anh ở bên lở, chị ở bên bồi. Đám cưới của cả hai tuy thiếu thốn trăm bề nhưng diễn ra trong sự chúc phúc của bà con hai họ.
Anh Tươi trong hành trình chở vợ về quê |
“Chúng tôi đi cắt lúa mướn, dành dụm gần chục năm nhưng cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Tôi bàn bạc với vợ rồi hai vợ chồng dắt tay nhau lên Bình Dương mưu sinh, mong có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Gần 20 năm sống với nhau, vợ chồng tôi chưa hề có một tiếng gây gổ.
Tôi đi mần hồ, cổ kiếm được một chỗ nho nhỏ để bán dừa tươi, nước mía, cà phê… cho khách đi đường. Ngày cổ sốt, xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, lòng tôi như lửa đốt. Vợ tôi khỏe mạnh lắm, tướng tá cao ráo. Ấy vậy mà vài ngày sau, bác sĩ nói phổi cô ấy rất xấu, gia đình nên chuẩn bị tinh thần”, anh Tươi nghẹn ngào.
Những ngày vợ nằm trong bệnh viện, anh Tươi không thể trò chuyện với chị nhiều. Hai người chỉ nhìn nhau qua màn ảnh, chị phải thở máy nên chẳng thể nói được điều gì. Anh nhắn vào máy vợ: “Vợ yêu ơi, em ráng hết bệnh đi, tui nhớ em nhiều lắm. Ráng nghe em”.
Tin nhắn cuối cùng anh Tươi dành cho vợ |
Nhưng anh cũng chẳng ngờ, đó là tin nhắn cuối cùng mà anh gửi cho vợ, bởi chị đã vĩnh viễn ra đi vì Covid-19. Lúc bác sĩ thông báo, cả thế giới như đổ sập dưới chân anh, anh òa khóc nức nở, đến mức những người cùng khu trọ phải chạy sang. Người an ủi anh, người phụ tiền cúng kiếng, người cùng anh sắp xếp chuyện hậu sự. Khi ấy, anh chỉ còn đúng 200.000 đồng trong túi. Nước mắt anh ràn rụa trong suốt 300 cây số chở vợ về quê.
Hàng xóm trong khu trợ đã giúp anh Tươi lập bàn thờ cho vợ |
Anh Tươi tâm sự: “Hồi xưa, vợ ngồi đằng sau, cổ nói suốt đường đi. Bây giờ tôi chỉ thấy sự im lặng đến nhói lòng, cô ấy đã vĩnh viễn rời xa tôi rồi”.
Nhiều đêm nằm trong phòng trọ, ký ức về những ngày xưa cứ vây lấy anh. Anh nhớ những lần trở về căn trọ nhỏ, căn bếp sực nức mùi thức ăn, nhớ đôi tay chị lau mặt cho anh, nhớ những lời ngọt ngào mà hai vợ chồng dành cho nhau. Đó cũng chính là lý do mà anh không muốn tiếp tục sinh sống, làm việc ở Bình Dương nữa.
“Hết dịch, tôi sẽ đi lên đó đón con gái về, rồi mấy cha con ở quê luôn. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Trong căn trọ vẫn còn những bức tranh mà cô ấy thêu, tôi sẽ gìn giữ nó như những kỷ vật sau cuối”, anh nói.
Zalo của anh Tươi chỉ đăng ảnh vợ, từ những ngày chị khỏe mạnh, cho đến lúc đổ gục vì Covid-19. Chị là cả cuộc đời của anh. Giờ đây, người đàn ông này phải tiếp tục sống tiếp phần đời còn lại của mình, trong nỗi nhớ thương vô tận…