Nghệ An yêu cầu đẩy nhanh hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó do đại dịch

269

Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và quyết định 23 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

UBND tỉnh Nghệ An ngày 6/9/2021 đã có văn bản số 6501/UBND-KGBX về việc đốn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, sau hơn một tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã có 10/12 chính sách được phê duyệt, hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai chưa nhanh, chưa chủ động bám sát nhiệm vụ được phân công, phân cấp theo Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh; việc triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Quyết định số 22/2001/QĐUBND của UBND tỉnh còn rất chậm; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo hàng ngày chưa kịp thời…

Giờ ăn trưa của công nhân tại một nhà máy trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Để kịp thời hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách, nhất là đối tượng lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác theo quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 9/8/2021 của UBND tỉnh.

Các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định pháp luật về phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng chính sách; xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng yếu cần tập trung ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách, trình UBND tỉnh quyết định giải quyết kinh phí, cấp phát kịp thời cho đối tượng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng, ban, bộ phận có liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; xử lý nghiêm các trường hợp đùn đẩy, né tránh, không phối hợp dẫn đến sai phạm trong quá trình rà soát, trùng lặp đối tượng, hỗ trợ không đúng đối tượng, để xảy ra trục lợi chính sách…

Đồng thời, tập trung triển khai tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, qua bưu điện, qua dịch vụ công trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quy định, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở.

UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo quy định.

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã làm tốt việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục hành chính công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia.

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã giải ngân kịp thời kinh phí hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đôn đốc các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc; thường xuyên cập nhật, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo, xem xét, giải quyết theo quy định.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, thời gian qua, do phải thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải điều chỉnh quy mô sản xuất, cắt giảm lao động; bố trí lao động ăn, nghỉ tập trung tại nhà máy, làm việc trực tuyến tại nhà…

Nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình vì các khoản chi phí tăng cao lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, gây áp lực rất lớn về nguồn tài chính vì ngoài việc phải bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp còn phải đảm bảo thực hiện tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 định kỳ, hỗ trợ người lao động trong thời gian nghỉ việc…