Nghệ An: Hàng trăm dự án chậm tiến độ, lãng phí quỹ đất

258

Có tới 160 dự án đã được giao, cho thuê đất với quy mô diện tích hàng trăm nghìn m2 ở các vị trí “đắc địa” trên địa bàn thị tứ, thị xã và TP Vinh nhưng đến nay, tiến độ triển khai vẫn ì ạch.

Thực trạng này không chỉ gây bức xúc dư luận vì quá lãng phí quỹ đất mà còn tạo ra nhiều hệ luỵ xấu về công tác thu hút đầu tư đối với địa phương khi nhiều nhà đầu tư cố tình “ôm” đất rồi “án binh bất động”.

Nhan nhản dự án “ôm” đất

Trong vài năm trở lại đây, vấn đề dự án chậm tiến độ, quy hoạch “treo” suốt thời gian dài đang là vấn đề được dư luận xã hội, cử tri địa phương đặc biệt quan tâm. Người dân cho rằng, khi tiến hành khảo sát quy hoạch sử dụng đất, nhiều gia đình đã chấp nhận “nhường ruộng, dời nhà” để có quỹ diện tích đất sạch phục vụ dự án mà chính quyền các cấp mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Và, họ cũng hy vọng rằng, với quy mô sử dụng đất “khủng” như vậy, sớm muộn gì, dự án sẽ góp phần cho quê hương mình “thay da, đổi thịt” bằng loạt các xí nghiệp, nhà máy…tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Vậy nhưng, hiện với khối lượng hàng trăm dự án đã được giao, cho thuê đất…nhưng suốt nhiều năm liên tục không đưa đất vào sử dụng, đồng nghĩa với việc dự án chưa thể đi vào hoạt động tại nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An khiến không ít người thất vọng.

Theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An, đến thời điểm quý III/2022, trên địa bàn có tổng số 160 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cho 160 nhà đầu tư với quy mô sử dụng đất hàng trăm nghìn m2 tại nhiều đơn vị thị, thành phố nhưng không đưa đất vào sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 12 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Dự án Văn phòng làm việc và Trung tâm Giới thiệu sản phẩm tại xã Nghi Phú nhiều năm nay quây tôn, chôn cột bê tông rồi “án binh bất động”

Cá biệt, có nhiều dự án đã được gia hạn thời gian triển khai nhiều lần nhưng vẫn không triển khai theo cam kết. Cũng có không ít dự án quy mô sử dụng hàng chục ha đất nhưng qua nhiều năm, đến nay vẫn đang ở trạng thái “khoanh nuôi đất”, không xây dựng các hạng mục công trình…xảy ra ở địa bàn TP Vinh.

Cụ thể, các dự án như thực hiện trên địa bàn TP Vinh như: Trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm dệt may (nay là Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ, đại lý ô tô 3S Huyndai Vinh) do Công ty CP Dệt may Nghệ An (đã sáp nhập và Công ty CP Thương mại quốc tế Dũng Lạc) quy mô 5.160m2 đất tại Xã Nghi Phú (Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh);

Nhà máy sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng do Cty CP quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh làm chủ đầu tư với quy mô sử dụng 10.004m2 đất tại xã Nghi Kim; Chợ và trung tâm thương mại do Công ty TNHH Da Li làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng 12.314m2 đất tại xã Nghi Ân; Trung tâm thương mại dịch vụ bách hóa tổng hợp; đại lý phân phối hàng hóa tiêu dùng, DV vận tải, kho bãi và trung chuyển hàng hóa do Công ty TNHH Thương mại Minh Tuấn làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng 4.985m2 đất tại phường Vinh Tân; Nhà máy EmTech Việt Nam tại Nghệ An do Chi nhánh Công ty TNHH Em Tech Việt Nam làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng 30.473m2 đất tại phường Vinh Tân;

Trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, nhà ở và biệt thự cao cấp tại phường Bến Thuỷ do Công ty TNHH Thành Thái Thịnh làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng 53.599m2 đất…

Công khai dự án chậm tiến độ

Điều đáng nói, các dự án nói trên đều đang ở trạng thái chậm tiến độ, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai. Nghĩa là, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng;

Nếu trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này, hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp do bất khả kháng.

Hiện nay, Nghệ An cũng thống kê có tới 9 dự án vi phạm pháp luật đất đai, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng bị thu hồi đất gồm: Dự án xây dựng văn phòng làm việc và kho vật liệu xây dựng do Công ty Cổ phần TNHH Thiên Sơn làm chủ đầu tư tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu; Nhà máy gạch không nung do Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Tân Tâm Anh làm chủ đầu tư tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc;

Xưởng chế biến quặng mangan của Công ty TNHH Mangan Hoàng Long tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn; Khu dịch vụ thương mại của Công ty CP TMDV thủy sản Thái Bình Dương tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai; Khu nhà ở xã hội dành cho cán bộ công nhân viên của Công ty CP Cấp nước Nghệ An tại đường Nguyễn Xí khối 14 phường Trường Thi, TP Vinh; Siêu thị thương mại dịch vụ điện lạnh, điện tử, dân dụng và nhà xưởng gia công của Công ty Tương Trâm tại phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai…

Dự án Trung tâm thí nghiệm vật liệu xây dựng LAS-XD 757 tại phường Bến Thủy, TP.Vinh, Nghệ An do Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Kiểm định xây dựng công trình có địa chỉ tại 30 Hồ Qúy Ly, khối 13, phường Bến Thủy, TP.Vinh làm chủ đầu tư cũng nhiều năm nay rơi vào trạng thái chậm tiến độ

Cũng từ năm 2012 đến nay, các đoàn liên ngành do UBND tỉnh Nghệ An thành lập đã tiến hành 674 lượt kiểm tra đối với 498 dự án.

Qua kiểm tra, Nghệ An đã ban hành các quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý đối với 142 dự án; gia hạn tiến độ 199 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện 56 dự án; xử lý khác đối với 101 dự án.

Để từng bước chấn chỉnh tình trạng dự án cố tình “ôm” đất, “khoanh nuôi đất” kéo dài mà không đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã văn ban số 6226 đồng ý việc công bố công khai trên trang thông tin điện tử địa phương và Bộ TNMT về tình trạng các dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất. Đây được xem là động thái công khai, minh bạch về môi trường đầu tư kinh doanh mà Nghệ An đã thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, ngoài việc công khai dự án chậm tiến độ, cấp ngành địa phương cũng cần có phương án sàng lọc tối ưu về năng lực tài chính, quy hoạch sử dụng đất, bố trí dự án thu hút đầu tư ngay từ giai đoạn khảo sát ban đầu, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, gây lãng phí quỹ đất như hiện nay.