Nghệ An: Hàng loạt cán bộ kiểm lâm, chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc

665

Thống kê Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho thấy, từ năm 2020 – 2022, có 93 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng tỉnh Nghệ An nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu như khó khăn, áp lực công việc, lương, thu nhập thấp…

Cán bộ Kiểm lâm Nghệ An tuần tra rừng vùng lõi. Ảnh: Văn Trường

5 hạt trưởng đồng loạt xin nghỉ việc

29 năm công tác, anh Nguyễn Viết Kiên – cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương, Nghệ An có lương tháng (bao gồm cả phụ cấp) khoảng 10 triệu đồng. Mức thu nhập đó trong điều kiện sống xa nhà (gia đình anh Kiên ở huyện Nghi Lộc, cách cơ quan hơn 200km), lại phải thường xuyên đi kiểm tra rừng trên địa bàn rộng lớn nên anh chỉ dành ra được một tháng vài ba triệu đồng gửi cho con đang đi học.

“Công việc của kiểm lâm viên rất vất vả, áp lực. Có thời điểm tôi phải quản lý hơn 11.000 ha rừng, trong khi theo quy định, mỗi kiểm lâm viên được giao phụ trách 1.000ha rừng” – anh Kiên cho biết.

Do địa bàn quản lý quá rộng, nên kiểm lâm viên, nhân viên bảo vệ rừng không thể kiểm soát được mọi hành vi phá rừng. Vào năm 2017, xảy ra vụ phá rừng trên địa bàn phụ trách, mặc dù không bắt được lâm tặc, anh Kiên vẫn bị khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, sau bị kết án treo. Anh Kiên cho biết, việc bị khởi tố, kết án do hành vi phá rừng tự phát trong tình huống bất khả kháng đã tạo lực rất lớn cho cán bộ kiểm lâm.

Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, thời gian gần đây có 6 cán bộ kiểm lâm, cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng của tỉnh Nghệ An bị khởi tố về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do liên đới của tội phạm phá rừng.

Ông Phạm Văn Thái – Trưởng Phòng Tổ chức tuyên truyền và xây dựng lực lượng – Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Có thời điểm có đến 5 hạt trưởng hạt kiểm lâm địa bàn xin thôi việc, sau cơ quan làm công tác tư tưởng, có 3 người rút đơn, 2 người vẫn kiên quyết xin nghỉ.

Công việc áp lực, thu nhập không đảm bảo cuộc sống

Trong báo cáo gửi Tổng cục lâm nghiệp, Chi Cục Kiểm lâm Nghệ An lý giải nguyên nhân: Điều kiện làm việc, sinh hoạt, địa bàn đi lại khó khăn, trách nhiệm công việc cao, sức khỏe không đảm bảo nhất là khi độ tuổi ngày càng cao để đi tuần tra, kiểm bảo vệ rừng, từ đó dẫn đến tình trạng xin nghỉ hưu trước tuổi.

Đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nguyên nhân dẫn đến nghỉ việc do chế độ tiền lương, thu nhập của viên chức, người lao động còn thấp chưa đảm bảo cuộc sống trong khi trách nhiệm, áp lực công việc lớn.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hiện nay chủ yếu là lực lượng lao động hợp đồng theo diện các đơn vị chủ rừng tự trang trải kinh phí trả lương. Các chủ rừng là loại hình đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu, tuy nhiên chủ yếu được giao quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng tự nhiên là rừng sản xuất mà hiện nay đang đóng cửa rừng nên hầu hết không cân đối được nguồn thu để đảm bảo kinh phí trả lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện nay chưa có quy định cụ thể đảm bảo được nguồn kinh phí hoạt động cho lực lượng này. Nghệ An là địa phương có diện tích rừng rất lớn, khoảng 1 triệu hécta, trong khi lực lượng kiểm lâm ngày càng giảm do quy định về giảm biên chế hàng năm (5%). Chi cục Kiểm lâm Nghệ An kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không thực hiện tinh giản biên chế đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối với các công ty lâm nghiệp đang quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng của rừng, đề nghị bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng của rừng ổn định theo chu kỳ 5 năm.

* Thống kê Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho thấy, từ năm 2020 – 2022, có 93 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng tỉnh Nghệ An nghỉ việc. Trong đó có 19 người xin nghỉ hưu sớm, 22 người xin chuyển công tác, 52 người xin thôi việc hoặc bỏ việc; số cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc là 44 người, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng 49 người.

* Ông Phú Văn Lĩnh – Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: “Áp lực công việc, thu nhập không đảm bảo, điều kiện làm việc khó khăn vất vả là các nguyên nhân dẫn đến lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng xin nghỉ việc, chuyển công tác nhiều trong thời gian qua. Công đoàn ngành cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc cải cách chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng nhưng chưa có sự thay đổi”.