Nghệ An: Đường 195 tỷ đồng làm nửa chừng rồi bỏ không

123

Đường thảm nhựa dài 16 km ở huyện Tương Dương thi công nền và giải ngân được 72 tỷ đồng thì bỏ không 8 năm qua do không được rót vốn.

Đường nối từ bản Côi đến khu tái định cư bản Cà Moong, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương có tổng mức đầu tư 195 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước của tỉnh Nghệ An, do UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư. Công trình khởi công năm 2011, dự kiến đưa vào sử dụng sau 30 tháng.

Đường chạy quanh núi nối bản Côi đến cà Moong, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, xây từ năm 2011 đến nay chưa xong. Ảnh: Đức Hùng

Đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi, dài 16 km, bề mặt rộng 6,5 m, thảm nhựa. Nhà chức trách kỳ vọng tuyến đường sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại bản Cà Moong, khu vực nằm trong núi sâu, hiện có khoảng 200 hộ dân người Khơ Mú diện nhường đất xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ sinh sống.

Sau lễ khởi công, nhà thầu điều máy móc, nhân công phong hóa đất, đào các khối đá lớn quanh núi để tạo bề mặt đường. Bản Côi và Cà Moong thuộc vùng sâu, tính theo hướng tây sang đông thì bên trái có núi, bên phải là sông Nậm Nơn. Địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, xe tải vận chuyển vật liệu từ trung tâm huyện vào công trường phải mất hàng tiếng, vì thế tiến độ thi công rất thấp.

Sau hơn 3 năm, nền đường toàn tuyến được đắp cơ bản, tiến độ đạt gần 40%, giải ngân 72 tỷ đồng thì dự án ngừng do thiếu vốn. Nhà thầu sau đó rút dần máy móc, nhân công, chỉ bố trí ít phương tiện và cử vài người ở lại công trường trông coi, chờ khi nào có tiền làm tiếp. Huyện Tương Dương nhiều lần gửi văn bản lên tỉnh để tháo gỡ vướng mắc những không được. Đến năm 2016 dự án dừng hẳn.

Hiện trạng tuyến đường 195 tỷ đồng xây nửa chừng rồi bỏ không. Video: Đức Hùng

Một người dân bản Cà Moong chia sẻ những năm 2011-2012 rất phấn khởi khi chứng kiến công nhân về làm đường. Gần 200 hộ dân trong bản kỳ vọng đường sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh bị cô lập tồn tại hàng chục năm qua. Nông sản làm ra dễ đưa đi tiêu thụ hơn, đời sống kinh tế dần cải thiện. Lúc biết dự án đình trệ, mọi người hụt hẫng. Qua nhiều cuộc họp, cử tri đã khiến nghị cấp trên tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, nhưng không nhận được phản hồi tích cực.

Dù dự án chưa hoàn thiện, hàng ngày người dân vẫn lái xe máy di chuyển trên nền thi công dang dở, bởi đây là đường bộ duy nhất nối bản Cà Moong với bản Côi để đi ra trung tâm xã Lượng Minh và ngược lại. Khi chưa có đường này, để đi từ Cà Moong ra bản Côi và tới các vùng khác, người dân phải di chuyển nhiều chặng bằng thuyền trên sông Nậm Nơn, mất 3-4 tiếng mới đến đích. Mùa lũ nước sông dâng cao, họ phải ở lại bản, không dám đi thuyền vì nguy hiểm.

Bỏ không nhiều năm, hiện tuyến đường xuống cấp, nền bị xói mòn, đá trồi lên lởm chởm, hai bên cỏ mọc um tùm chắn gần hết lối đi. Sau mỗi trận mưa lớn, đất từ trên núi sạt xuống, chính quyền phải huy động nhân lực san gạt đất đá, đổ đá, làm kè để dân sử dụng tạm. Gần đây, con đường bêtông rộng hơn 5 m, dài khoảng 100 m được xây nối với đường đang thi công dang dở, mục đích để người dân xung quanh bản Côi đi sản xuất thuận tiện hơn.

Nhiều người dân vẫn lái xe chạy trên tuyến đường dang dở để đi từ bản Côi vào Cà Moong, song di chuyển rất khó khăn vì nền toàn đá lởm chởm. Ảnh: Đức Hùng

Theo ông Lê Quang Trung, chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tương Dương, dự án đường ở xã Lượng Minh phải dừng do kinh phí lớn và thuộc trường hợp phải cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ. Huyện rất trăn trở khi công trình chưa về đích, tiền thi công giai đoạn trước đó đang nợ nhà thầu, nhưng chưa biết khi nào có thể bố trí được nguồn để trả.

“Lâu nay huyện vẫn gửi văn bản lên tỉnh xin cấp thêm vốn để hoàn thiện dự án nhưng chưa có kết quả. Thời điểm này giá trị công trình sẽ tăng gấp nhiều lần, nếu làm tiếp thì phải cần đầu tư số tiền rất lớn”, ông Trung cho hay.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An nói không chỉ dự án trên, còn rất nhiều tuyến đường khác trên địa bàn chính quyền rất muốn đầu tư hoàn thiện, giúp người dân đi lại thuận tiện nhằm phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vốn ngân sách phải phân bổ cho nhiều đơn vị, theo các tiêu chí cụ thể. Do đó tỉnh cần thời gian để xem xét, bố trí hợp lý nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.