Nghệ An chính thức cấm biển để ứng phó với bão Noru

172

Nghệ An đã ra công văn cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17h ngày 26/9/2022 trước diễn biến nguy hiểm của bão Noru (bão số 4).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo đến 10h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, UBND tỉnh Nghệ An đã ra công văn cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17h ngày 26/9/2022. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 0h ngày 27/9/2022.

Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); Tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn. Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh).

Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 0h ngày 27/9/2022.

Trước tốc độ di chuyển nhanh và diễn biến khó lường của cơn bão số 4, nhiều địa phương ven biển tại tỉnh Nghệ An, nơi có số đông tàu thuyền làm nghề đánh bắt đã chủ động thực hiện công tác phòng chống bão.

Tại huyện Quỳnh Lưu – một trong những địa phương có số tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất của tỉnh Nghệ An với gần 500 chiếc, hiện tại sau chuyến đi biển xa trở về, nhận được tin bão, các chủ tàu cũng đã neo đậu tàu thuyền ở nơi an toàn xung quanh Lạch Quèn, chờ bão tan mới tiếp tục ra khơi.

Ông Cao Xuân Điệp, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết, sau khi có tin báo về cơn bão số 4, chính quyền địa phương ngay lập tức phối hợp với Trạm Biên phòng Lạch Thơi (thuộc Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận) cùng hiệp hội nghề cá và các doanh nghiệp, thông báo cho các tàu còn đánh bắt xa bờ kịp thời quay về trú ẩn.

Hiện tại, xã Sơn Hải có khoảng hơn 65 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó, có khoảng hơn 40 chiếc đang ra khơi. Đối với những tàu có công suất trên 300 CV, sau khi vào bờ sẽ được hướng dẫn neo đậu ở Lạch Quèn, còn những tàu dưới 300 CV sẽ vào neo đậu ở Lạch Thơi.

Bộ đội biên phòng Nghệ An giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền.

Ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn, nhất là các xã ven biển phải thường xuyên cập nhật thông tin, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện tàu thuyền để kêu gọi, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Cùng với đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh, trật tự, xã hội. Đồng thời, kiểm tra an toàn và vận hành cống tiêu qua các tuyến đê biển, chủ động tiêu nước chống úng kịp thời, ngăn nước mặn từ thủy triều nước biển dâng do bão gây ra.

Hiện tại ở huyện Diễn Châu có hơn 10 tàu cá đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đã vào khu neo đậu, tránh trú bão; khoảng hơn 200 chiếc đánh bắt gần bờ đến trưa 26/9 cũng đã vào neo đậu tại các khu tránh trú bão an toàn.