Ngành dầu mỏ Nga bắt đầu ngấm đòn vì bị phương Tây quay lưng

159

Ngành công nghiệp dầu mỏ, nguồn thu quan trọng của Nga, đang bắt đầu bị ảnh hưởng khi người mua phương Tây xa lánh dầu thô của nước này.

Ngành công nghiệp dầu mỏ Nga bắt đầu có dấu hiệu chững lại (Ảnh: Bloomberg).

Mặc dù, dầu của Nga chưa chính thức bị cấm vận hoặc bị trừng phạt ở châu Âu, nơi nhập gần một nửa trong tổng lượng xuất khẩu dầu của Nga, song việc nhiều người mua châu Âu tự nguyện xa lánh dầu Nga khiến cho ngành công nghiệp dầu mỏ Nga có dấu hiệu chững lại.

Để thay thế cho doanh số bị mất đi ở phương Tây, Moscow đang chuyển hướng sang các thị trường châu Á mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, năng lực dự trữ cũng như hệ thống vận chuyển đang ngăn cản Nga xuất khẩu toàn bộ lượng dầu không mong muốn ở phương Tây sang các nước này. Điều đó, buộc các nhà lọc hóa dầu phải cắt giảm công suất do các kho sản phẩm dầu đã quá đầy, do đó, các công ty khai thác cũng cắt giảm sản lượng dầu thô.

Trước đó, trong khi các thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong bối cảnh dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu thì Nga, với tư cách là thành viên chủ chốt của nhóm OPEC+, đã cho phép mỗi tháng nâng sản lượng dầu thô của mình lên hơn 100.000 thùng/ngày.

Và trong bối cảnh giá dầu tăng vọt do cuộc chiến tại Ukraine, Nga vẫn tiếp tục thu lợi nhờ xuất khẩu dầu mỏ.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn thu thuế liên quan đến dầu và khí đốt cũng như thuế xuất khẩu chiếm khoảng 45% ngân sách liên bang Nga trong tháng 1 năm nay. Tổng doanh thu xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của nước này hiện khoảng 700 triệu USD mỗi ngày.

Trong khi tiền vẫn chảy vào Nga thì ngành công nghiệp dầu mỏ nước này bắt đầu có dấu hiệu khó khăn. Tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới khi nhiều người mua hơn xa lánh dầu và các sản phẩm dầu của Nga.

Dữ liệu tổng hợp trong tuần này của Energy Intelligence cho thấy, trong 10 ngày đầu của tháng 4, dầu thô và các sản phẩm khí ngưng tụ của Nga đã giảm xuống mức trung bình 10,356 triệu thùng/ngày khi các nhà máy lọc dầu của Nga kéo dài thời gian cắt giảm công suất, nhiều người mua xa lánh và các kho dự trữ đầy ắp. Từ tháng 5 trở đi, gần 3 triệu thùng sản phẩm dầu của Nga có thể bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt quốc tế và trừng phạt tự nguyện của chính người mua.

“Cuộc đình công của người mua” đã bắt đầu buộc các nhà máy lọc dầu của Nga phải giảm sản lượng, Torbjorn Tornqvist, CEO của nhà cung cấp dầu mỏ độc lập lớn nhất thế giới Gunvor, cho biết vào tháng trước.

“Điều đó có nghĩa là dầu thô sẽ cần phải xuất khẩu nhiều hơn so với các sản phẩm khác và chúng tôi tin rằng đó là điều không thể và sẽ dẫn đến việc cắt giảm sản lượng của Nga”, ông Tornqvist nói trên Bloomberg.

Trong bức thư gửi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi cuối tháng 3, chính ông Vagit Alekperov – Chủ tịch của Lukoil, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của Nga – đã cho biết do các lệnh trừng phạt Nga nên việc cung cấp dầu nhiên liệu giảm và tồn kho đã đầy. Do đó, Lukoil đề nghị chuyển hướng dầu nhiên liệu sang các nhà máy điện để tránh tình trạng không đủ chỗ chứa.

Nguồn tin của Reuters hồi đầu tháng cho biết, nhà máy lọc dầu Taif ở vùng Tatarstan của Nga đã phải đóng cửa do tồn kho sản phẩm quá nhiều.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Nga không đủ khả năng dự trữ dầu và các sản phẩm dầu khi đối mặt với cuộc đình công của người mua, chắc chắn sẽ khiến sản lượng dầu thô sụt giảm.

Một dấu hiệu khác cho thấy Nga có thể gặp khó trong việc bán các lô hàng của mình. Transneft, nhà điều hành đường ống dẫn dầu của Nga, đã thông báo cho các công ty địa phương rằng họ sẽ giới hạn hấp thụ lượng dầu thô chưa bán được bởi các kho dự trữ sản phẩm đã đầy.

Tuy vậy, Tổng thống Nga Putin vẫn tự tin cho rằng Nga có thể tìm kiếm những người mua thiện chí mới ở châu Á. Những người mua châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đang nhập một số loại dầu mà người mua phương Tây từ chối.

Tuy nhiên, dịch vụ hậu cần và giá cước vận chuyển cao cũng như việc bảo hiểm, bảo lãnh ngân hàng và các rào cản thanh toán đã ngăn cản những người mua thiện chí ở châu Á hấp thụ toàn bộ lượng dầu mà Nga vẫn bán sang thị trường châu Âu.