Làm Bộ trưởng có cần chuyên môn?

315

Việc Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan được điều động giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Y tế đang là một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất hiện nay. Được bàn luận sôi nổi thì cũng hoàn toàn dễ hiểu. Ghế Bộ trưởng Y tế đang rất nóng; Làm Bộ trưởng Y tế đang rất khó.

Ý kiến tranh luận chủ yếu chia hai loại: Phấn khởi, ủng hộ vì ngành y cần một lãnh đạo mới thật sự độc lập với những mối quan hệ thân hữu, những lề thói thâm căn, cố đế đã ngự trị hàng chục năm qua; băn khoăn, lo lắng vì bà Đào Hồng Lan không có chuyên môn và không trưởng thành từ ngành y, một ngành mang tính chuyên môn rất cao.

Thực ra, các loại ý kiến trên đều có lý, nhưng, có lẽ, tổ chức cũng biết rất rõ về những điều như vậy. Vấn đề là bao giờ cũng phải lựa chọn phương án tối ưu thôi. Đố bạn tìm được một ứng cử viên vừa trưởng thành từ ngành y mà lại hoàn toàn không bị cách nghĩ, cách làm cũ, các mối quan hệ cũ trong ngành tác động đấy!

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Quốc Chính).

Làm bộ trưởng là vừa làm chính sách và làm công tác điều hành. Việc này rất đúng với bối cảnh thể chế của nước ta, khi hành pháp chính trị và hành chính công vụ không được phân định rõ ràng. Tuy nhiên, làm chính sách vẫn là phần việc quan trọng hơn của một bộ trưởng. Trong việc làm chính sách, thì 2/3 những kỹ năng phải có là những kỹ năng chính trị chứ không phải là những kỹ năng chuyên môn. Để dễ cảm nhận, xin phân tích một quy trình chính sách bất kỳ ở nước ta. Một quy trình chính sách thông thường bao gồm các công đoạn sau đây: 1. Nhận biết vấn đề; 2. Nghiên cứu đề ra giải pháp (chính sách) để giải quyết vấn đề; 3. Đánh giá tác động chính sách; 4. Xác lập ưu tiên; 5. Tác động để đưa được vào nghị trình của Chính phủ, của Đảng, của Quốc hội; 6. Thương lượng, thỏa hiệp, điều chỉnh chính sách khi có tranh chấp; 7. Thuyết phục để có được sự ủng hộ của Chính phủ, của Đảng, của Quốc hội để chính sách được thông qua.

Trong 7 công đoạn của một quy trình chính sách như vậy, thì có đến 4 công đoạn (từ thứ 4 đến thứ 7) đòi hỏi những kỹ năng chính trị, chứ không phải những kỹ năng chuyên môn. Đó là chưa nói tới việc muốn đưa được chính sách vào nghị trình, muốn thuyết phục để có được sự ủng hộ thì ngoài việc làm tốt các công đoạn trên, một bộ trưởng nhiều khi còn phải vận động để có được sự ủng hộ của cả mặt trận và các đoàn thể nữa. Rõ ràng, một giáo sư, tiến sĩ ngành y cho dù có giỏi chuyên môn đến mấy cũng không thể có những kỹ năng chính trị như vậy. Trong lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, là Bí thư Tỉnh ủy, bà Đào Hồng Lan rõ ràng là một chính khách với những kỹ năng chính trị cần thiết để thúc đẩy những chính sách quan trọng giúp phục hồi vị thế và uy tín của ngành y.

Trên thực tế, ngành y đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề từ chuyện tham nhũng, tiêu cực đến chuyện chảy máu nhân lực; từ chuyện cán bộ quản lý thụ động, né tránh trách nhiệm đến tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư, thiết bị y tế; từ tình trạng công tư lẫn lộn đến vấn đề quá tải của các bệnh viện công tuyến trung ương…

Để giải quyết những vấn đề như vậy, đề ra các giải pháp là không quá khó về mặt chuyên môn, nhưng để biến các giải pháp đó thành chính sách, pháp luật là vô cùng khó về mặt chính trị. Ví dụ, ai cũng thấy muốn khắc phục tình trạng chảy máu nhân lực công của ngành y, thì một trong những giải pháp quan trọng nhất là phải tăng lương cho công chức, viên chức của ngành y. Giải pháp thì đơn giản như vậy về mặt chuyên môn, nhưng để biến nó thành chính sách sẽ khó vô cùng về mặt chính trị. Thế thì chúng ta cần một nhà chuyên môn giỏi hay một chính khách giỏi ở đây?

Liên quan đến công tác điều hành để thi hành chính sách, pháp luật, đây là hoạt động mang tính chuyên môn – kỹ thuật nhiều hơn. Có lẽ, đến 80-90% công việc này mang tính chuyên môn kỹ thuật. Ở nhiều nước trên thế giới đây chủ yếu là công việc của bộ máy hành chính công vụ đứng đầu là quốc vụ khanh hoặc tổng thư ký bộ. Nhưng ở ta, đây vẫn là công việc của bộ trưởng. Chính vì vậy, những kiến thức, kỹ năng chuyên môn vẫn rất cần thiết để làm một bộ trưởng ở nước ta. Trong trường hợp của bà Đào Hồng Lan, nhanh chóng nắm bắt công việc và nâng cao hiểu biết về ngành y là rất cần thiết. Đồng thời, có hai việc cũng cần thiết được triển khai càng sớm càng tốt. Đó là: 1. Tập hợp quanh mình những chuyên gia giỏi nhất, liêm chính nhất của ngành y để có được sự tư vấn khách quan, trung thực và có chất lượng; 2. Ủy quyền nhiều nhất có thể công việc điều hành cho các thứ trưởng có trình độ chuyên môn.

Quả thực, chọn được một bộ trưởng vừa có chuyên môn, vừa có kỹ năng chính trị chắc chắn là phương án tốt nhất cho đất nước. Vấn đề là chọn được một người như vậy là hoàn toàn không dễ. Thông thường chọn người giỏi chuyên môn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chỉ giỏi về chuyên môn thì có thể biết mọi thứ về ngành y, nhưng không thúc đẩy được cải cách gì để đổi mới lĩnh vực quan trọng này.

Cuối cùng, trong công tác điều hành, kỹ năng chính trị cũng rất cần thiết. Cung cấp tầm nhìn, truyền cảm hứng và dẫn dắt bộ máy vượt qua khó khăn để hoàn thành sứ mệnh là những kỹ năng chính trị mà một bộ trưởng cần phải có. Đây có vẻ cũng sẽ là thế mạnh của bà Đào Hồng Lan.

Tác giảTS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.