Lần sửa đổi này của Liên minh châu Âu (EU) đem đến tin mừng cho hàng loạt doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam khi chính thức đưa các loại bún, miến, phở ra khỏi danh mục bổ sung giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm theo Phụ lục 2 Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793.
Bộ Công Thương cho biết, ngày 13/6/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo sửa đổi quy định mới về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU và có hiệu lực từ 3/7/2022.
Lần sửa đổi này của EU đem đến tin mừng cho hàng loạt doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam khi chính thức đưa các loại bún, miến, phở ra khỏi danh mục bổ sung giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm theo Phụ lục 2 Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793.
Tuy nhiên, EU tiếp tục duy trì việc yêu cầu bổ sung Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm với các lô hàng mỳ ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác. Cùng với đó, EU vẫn tiếp tục duy trì quả thanh long trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm theo Phụ lục 2 Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, với lý do quả thanh long vẫn còn nguy cơ cao an toàn thực phẩm và tần suất các lô hàng bị cảnh báo chưa có nhiều tiến bộ. Các nhóm rau gia vị vẫn bị duy trì tần suất kiểm tra tại biên giới EU là 50%.
Theo Bộ Công Thương, như vậy từ ngày 3/7/2022, các lô hàng bún miến phở xuất khẩu sang EU không cần bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương cấp và cũng không bị kiểm soát tại cửa khẩu của EU. Nhóm mỳ ăn liền chứa gia vị và nước sốt (HS 1902 30 10 30) vẫn cần giấy chứng nhận của cơ quan này.
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất như Acecook Việt Nam, Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (địa chỉ: số 1 Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM) bị cơ quan An toàn Thực phẩm ở nhiều nước thuộc EU thu hồi một số lô mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất, mì lẩu thái và Mì khô vị bò gà… do có chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide – EO) vượt mức cho phép, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Tại thời điểm đó, thậm chí Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh khuyến nghị Acecook Việt Nam nên tuyên bố nhận trách nhiệm đối với số sản phẩm bị khuyến nghị thu hồi tại Ireland, tạm thời dừng sản xuất mỳ Hảo Hảo và miến Good cho đến khi tìm ra xuất xứ chất Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất.
Vụ việc gây chú ý đến mức Văn phòng Chính phủ sau đó đã có văn bản số 6382 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vụ mì ăn liền Hảo Hảo nhiễm Ethylene Oxide bị thu hồi tại một số nước châu Âu. Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ban hành quy chuẩn về mức giới hạn Ethylene Oxide trong thực phẩm.