Giải ngân vốn đầu tư công Nghệ An: Thách thức và kỳ vọng!

79

Nửa đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An có kết quả khá tích cực, cao hơn cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức bình quân cả nước…

Mặc dù vậy, mục tiêu giải ngân 95% mà tỉnh đưa ra hồi đầu năm vẫn đang là thách thức lớn nếu như tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu, chậm chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được khắc phục kịp thời.


Công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả khá tích cực, cao hơn cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức bình quân cả nước

Thực hiện tốt “4 đúng”…

Theo một báo cáo gần đây của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến ngày 20/6/2024, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 3.281,992 tỷ đồng, đạt 36,16%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 29,7% và cao hơn mức bình quân cả nước. Trong đó, vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.561,992 tỷ đồng, đạt 33,75%.

Một số nguồn vốn đạt khá, điển hình như: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 63,5%, vốn nước ngoài 56,89%, nguồn thu xổ số kiến thiết 48,27%. Đáng chú ý, 23/69 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 50%, trong đó bao gồm 9 huyện, thành, thị: Yên Thành, Vinh, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Hoàng Mai, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn và Nam Đàn.

6 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận nhiều dự án trọng điểm cơ bản đảm bảo tiến độ và giải ngân đạt kết quả khá như: Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An (giai đoạn 2) giải ngân đạt 78,34%; Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7-Km76 giải ngân đạt 34,81%; Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò (giai đoạn 2) giải ngân đạt 100%… Các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cơ bản đảm bảo tiến độ, đạt 34,85%.

Đến nay, dự án Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò, giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn thành tuyến chính. Các nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục phụ và hệ thống an toàn

Thực tế cũng cho thấy, Nghệ An là một trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước sau 6 tháng đầu năm nay. Tỷ lệ giải ngân đạt khá nhờ tuân thủ tốt phương châm “4 đúng” mà lãnh đạo tỉnh đề ra, đó là: Nhìn nhận đúng tình hình, từ đó tìm ra đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp và tập trung thực hiện quyết liệt, nhằm hoàn thành đúng mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra mới đây, ông Phạm Hồng Quang – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh rất quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư, đã xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm và có nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện công tác này.

Đó là xây dựng kế hoạch ngay từ đầu và đến tháng 3 là hoàn thành giao kế hoạch đầu tư công cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư, trong khi trong năm 2023 đến tháng 5 mới hoàn thành việc giao kế hoạch. UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản để quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị.

Tỉnh đã thành lập 1 Tổ công tác cấp tỉnh, 2 Tổ công tác cấp phòng và chính Tổ công tác cấp phòng đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư. Đồng thời, tổ chức hội nghị giao ban toàn tỉnh ngay từ đầu năm để nắm bắt và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công thay vì đến tháng 9 mới tổ chức như trước đây.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và cam kết giải ngân hàng tháng, làm căn cứ đánh giá tiến độ và thực hiện cam kết. Tiếp tục duy trì thông báo kết quả giải ngân 10 ngày/lần tới từng giám đốc các sở, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị. Đồng thời, các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh cũng phải thực hiện chế độ báo cáo 10 ngày/lần để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

Quyết tâm đạt kịch bản đề ra

Tuy nhiên, nhìn nhận trên cơ sở thực tế, ông Phạm Hồng Quang – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đánh giá: Mặc dù công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh từ đầu năm đến nay đạt được kết quả khá tích cực, song việc thực hiện giải ngân Chương trình MTQG giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi còn hạn chế.

Về nguyên nhân, vị lãnh đạo ngành này lý giải, riêng việc chậm giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG, ngoài lý do khách quan do cơ chế, thủ tục thì áp lực giải ngân năm 2024 rất lớn. Các dự án triển khai thực hiện trên địa bàn huyện miền núi gặp nhiều khó khăn do có địa hình phức tạp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nguồn cung nguyên vật liệu (như cát, sỏi, đất đắp, đá xây dựng, gạch không nung…) khan hiếm và là địa bàn thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, sạt lở đất nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai.

Bên cạnh đó, một số dự án phải thực hiện thủ tục chuyển đổi đất rừng, đánh giá tác động môi trường nên mất nhiều thời gian cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ trong khi có một số chủ đầu tư chưa bám sát để thực hiện. Mặt khác, công tác chỉ đạo của cấp huyện, năng lực quản lý dự án cấp huyện còn yếu và thiếu, đơn cử có những huyện như Tương Dương không tuyển được người về làm việc tại các Ban quản lý các dự án…


Những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm vẫn là những tồn tại nhiều năm trước. Đó là, cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng

Ông Quang cũng khẳng định, mặc dù còn có nhiều khó khăn, UBND tỉnh Nghệ An cũng quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện để tỷ lệ giải ngân đạt 95% như kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.

Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, vị lãnh đạo ngành tiếp tục chia sẻ, đó là sẽ tập trung phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị về chỉ tiêu giải ngân từ nay đến cuối năm.

Tổ chức rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án và cho biết trong tháng 7 này sẽ điều chuyển vốn của những dự án giải ngân chậm bổ sung cho những dự án có tiến độ giải ngân tốt. Dự kiến đợt 1 sẽ điều chuyển vốn của 10 dự án khoảng 75 tỷ đồng.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc thẩm định, giải quyết hồ sơ thủ tục và xử lý các vướng mắc khó khăn cho các dự án; kiên quyết xử lý các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện…