Cổ phiếu PTX tăng ‘sốc’ 3.000%: Ai hưởng lợi?

27

Đà tăng hơn 3.000% chỉ sau một quý của cổ phiếu PTX đã đưa vốn hoá của Petrolimex Nghệ Tĩnh lên xấp xỉ 138 tỷ đồng, đồng thời tạm mang về cho công ty mẹ PTC khoảng 70 tỷ đồng. Trước đó, PTC đã nhận 4,92 tỷ đồng tiền cổ tức từ Petrolimex Nghệ Tĩnh.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (23/8), cổ phiếu PTX của Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh tăng thêm 14,44%, đóng cửa tại 21.400 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá giao dịch tại đỉnh lịch sử từ khi cổ phiếu này niêm yết trên UPCoM vào giữa năm 2018.

Cổ phiếu PTX “phất” lên như “diều gặp gió”

Đáng nói, cổ phiếu PTX đã tăng 3.359% chỉ sau ba tháng, từ 640 đồng/cp (đóng cửa phiên 24/5) lên 21.600 đồng/cp (đóng cửa ngày 23/08). Trong khoảng thời gian đó, khối lượng giao dịch của cổ phiếu dầu khí này có biên độ dao động cực hẹp, chỉ từ 100 đến 500 đơn vị. Gần đây, cổ phiếu PTX mới ghi nhận mức thanh khoản mới đột biến, đạt kỷ lục vào ngày 22/8 với 34.360 đơn vị khớp lệnh, cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với các phiên trong quá khứ.

Còn nhớ, giữa tháng 7, Petrolimex đã phải giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Doanh nghiệp khẳng định không có tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giá, cổ phiếu tăng giá mạnh do yếu tố cung cầu của thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và ổn định.

Theo quan sát, cổ phiếu PTX bắt đầu dậy sóng từ tháng 6/2024, thời điểm doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận được 1.500 đồng cổ tức. Chưa hết, Petrolimex cũng đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ nhằm niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Cả hai yếu tố trên tạo thành chất xúc tác, thu hút giới đầu tư, đưa cổ phiếu PTX “phất” lên như “diều gặp gió”.

Với đà tăng mạnh của cổ phiếu PTX, các cổ đông của Petrolimex Nghệ Tĩnh là những người “ấm lòng” nhất. Cần biết, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp dầu khí này khá cô đặc khi công ty mẹ là Tổng công ty Dịch vụ xăng dầu Petrolimex (PTC) nắm 51% vốn điều lệ, tương đương 3,28 triệu cổ phần.

Phần còn lại chủ yếu do các cá nhân là lãnh đạo và người có liên quan nắm giữ. Đáng chú ý, con trai và anh trai ông Hoàng Công Thành, Chủ tịch HĐQT, mỗi người nắm giữ 2,6% vốn công ty, tương ứng 152.550 cổ phiếu. Trong khi đó, các lãnh đạo (gồm cả chủ tịch) và người có liên quan còn lại không nắm giữ cổ phiếu hoặc chỉ sở hữu tỉ lệ dưới 1%.

Như vậy, pháp nhân hưởng lợi nhiều nhất là PTC khi “bỏ túi” thêm khoảng 70 tỷ đồng, tổng giá trị cổ phần PTX nắm giữ đạt 72 tỷ đồng. Cần biết, trước đó, với 3,28 triệu cổ phiếu nắm giữ và mức chia cổ tức 15%, PTC đã nhận thêm 4,92 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Petrolimex Nghệ Tĩnh đạt 1.075 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 7,5 tỷ đồng, cao hơn 40% so với cùng kỳ.

Năm 2024, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh có phần khiêm tốn với 1.843 doanh thu hợp nhất và 10,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt 12% và 30% so với thực hiện năm 2023. Với kết quả bán niên 2024, Petrolimex Nghệ Tĩnh thực hiện được 58% và 88% các chỉ tiêu.

Theo tìm hiểu, đây không phải lần đầu tiên công ty dầu khí này đem về khoản doanh thu lớn. Từ 2017, Petrolimex Nghệ Tĩnh đều đặn mang về cả nghìn tỷ đồng mỗi năm, ngoại trừ 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong hai năm 2022 và 2023, doanh thu của doanh nghiệp đều đạt trên 2.000 tỷ đồng. Lãi ròng tương ứng lần lượt 10,3 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng. Đây cũng là 2 năm ghi nhận lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp này. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn là khá “mỏng”.

Dù giá cổ phiếu đã tăng sốc, vốn hóa hiện tại của Petrolimex Nghệ Tĩnh chỉ đạt 138 tỷ đồng, tương đương 1,5 lần giá trị sổ sách. Tính theo lợi nhuận năm 2023, chỉ số P/E của doanh nghiệp là 11 lần, vẫn thấp hơn mức trung bình của ngành là 12 lần.

Petrolimex Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Xí nghiệp Vận tải Xăng dầu với vốn điều lệ ban đầu là 7,5 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đại diện nguồn vốn Nhà nước nắm 30%. Đến năm 2004, Petrolimex Nghệ Tĩnh tăng vốn điều lệ lên 11,5 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu . của Petrolimex cũng tăng lên 51%.

Tháng 6/2010, thời điểm Petrolimex Nghệ Tĩnh tăng vốn điều lệ lên 23 tỷ đồng, tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn được giữ nguyên ở mức 51%. Đầu năm 2017, doanh nghiệp này tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 34,5 tỷ đồng. Tháng 8 cùng năm, Petrolimex thành lập Tổng Công ty dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (PTC) và chuyển giao phần vốn tại Petrolimex Nghệ Tĩnh cho PTC quản lý.

Hiện tại, vốn điều lệ của Petrolimex Nghệ Tĩnh hiện tại đạt hơn 64 tỷ đồng. Doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính như vận tải xăng dầu, bán buôn và bán lẻ xăng dầu, vận tải hàng hóa đường bộ, đào tạo và sát hạch lái xe,…