Châu Âu tìm cách trở lại với than đá

325

Các khách hàng mua khí đốt của Nga nhiều nhất ở châu Âu có thể sẽ quay trở lại với than đá để sản xuất điện do Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho lục địa này.

Đức, Italy, Áo và Hà Lan cho rằng các nhà máy nhiệt điện đốt than có thể sẽ giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh Nga giảm lượng khí đốt cung cấp tới lục địa này.

Chính phủ Hà Lan ngày 20/6 cho biết nước này có thể dỡ bỏ mức trần sản xuất đối với các nhà máy năng lượng đốt than và sẽ kích hoạt giai đoạn đầu trong kế hoạch khủng hoảng năng lượng.

Đường ống vận chuyển khí đốt thuộc hệ thống Dòng chảy phương Bắc ở Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. Ảnh: Reuters

Đan Mạch cũng khởi động bước đầu tiên trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do nguồn cung bất ổn từ Nga.

Italy đã tới gần hơn với việc tuyên bố tình trạng báo động về năng lượng sau khi công ty Eni nhận được thông báo từ Gazprom của Nga rằng họ sẽ chỉ nhận được một phần lượng khí đốt theo hợp đồng.

Đức, cũng bị Nga giảm nguồn cung, đã tuyên bố kế hoạch mới nhất nhằm tăng mức dự trữ khí đốt và có thể sẽ tái khởi động các nhà máy nhiệt điện đốt than mà Berlin có ý định dần từ bỏ.

Giảm sản xuất điện bằng khí đốt để dự trữ cho mùa sưởi ấm

Năm 2021, các nhà máy nhiệt điện khí đốt đóng góp khoảng 15% tổng lượng điện do nhà nước Đức cung cấp. Trong bối cảnh nguồn cung từ Nga giảm đáng kể, tỷ lệ khí đốt trong sản xuất điện có thể giảm trong năm nay.

“Đó là điều cay đắng, nhưng vô cùng cần thiết trong tình hình phải giảm lượng tiêu thụ khí đốt hiện nay. Nếu chúng ta không làm vậy, các cơ sở có thể sẽ không dự trữ đủ lượng khí đốt cần thiết cho mùa đông năm nay”, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết.

Là thành viên đảng Xanh, ông Habeck lâu nay phản đối việc sử dụng than đá trong sản xuất điện do loại nhiên liệu hóa thạch này thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính.

Eni của Italy và Uniper của Đức là 2 trong số nhiều công ty tại châu Âu cho biết họ nhận được ít khí đốt hơn so với khối lượng thỏa thuận trong hợp đồng với Nga. Các cơ sở dự trữ ở châu Âu vẫn đang được lấp đầy, nhưng với tốc độ rất chậm. Tính đến 20/6, các cơ sở này đã được lấp đầy 54%. Mục tiêu của Liên minh Châu Âu là đạt 80% vào tháng 10 và 90% vào tháng 11.

Bộ Kinh tế Đức cho biết, việc đưa trở lại các nhà máy nhiệt điện đốt than có thể giúp tăng công suất thêm 10 gigawatts trong trường hợp nguồn cung cấp khí đốt giảm sâu. Dự luật về tăng cường nhiệt điện đốt than có thể được chuyển lên Quốc hội Đức vào ngày 8/7 tới.

Ngoài việc chuyển hướng trở lại than đá, các biện pháp mới nhất của Đức bao gồm cơ chế đấu giá để khuyến khích ngành công nghiệp tiêu thụ ít khí đốt hơn và hỗ trợ tài chính cho các nhà vận của Đức để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt nhanh hơn.

Nga đổ lỗi cho phương Tây

Ngày 19/6, chính phủ Áo đã thỏa thuận với công ty Verbund để chuyển đổi nhà máy sản xuất điện bằng khí đốt sang than đá nếu nước này đối mặt với tình trạng khẩn cấp về năng lượng.

Hà Lan sẽ dỡ bỏ mức trần sản xuất đối với các công ty năng lượng đốt than để dự trữ nguồn khí đốt trong bối cảnh Gazprom giảm nguồn cung sang châu Âu. Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten, cho biết chính phủ cũng đã kích hoạt “cảnh báo sớm” trong kế hoạch khủng hoảng năng lượng gồm 3 giai đoạn.

Italy có thể tuyên bố tình trạng báo động về khí đốt trong tuần này nếu Nga tiếp tục giảm nguồn cung. Động thái này có thể dẫn tới việc kích hoạt các biện pháp hạn chế tiêu thụ như chia tỷ lệ sử dụng khí đốt cho một số ngành công nghiệp, tăng cường sản xuất tại các nhà máy điện đốt than, và đề nghị tăng lượng cung cấp khí đốt từ các nhà cung cấp khác theo hợp đồng hiện hành.

Khí đốt của Nga vận chuyển tới Đức chủ yếu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1). Theo các dữ liệu ghi nhận ngày 20/6, hệ thống này chỉ hoạt động ở mức 40% công suất.

Gazprom đã giảm công xuất cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc từ tuần trước, viện dẫn lý do chậm hoàn trả turbin bơm khí mà công ty Nga đang sử dụng. Turbin này do Siemens Energy của Đức sản xuất, đã được gửi đến Montreal, Canada để bảo trì. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga đã làm trì hoãn việc trả lại turbin sau khi bảo trì.

“Chúng tôi có khí đốt và lượng khí đốt này sẵn sàng được chuyển đi, nhưng châu Âu phải trả lại các thiết bị hiện đang bảo trì theo nghĩa vụ hợp đồng”, người phát ngôn Điện kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Giới chức Đức và Italy nói rằng Nga đang sử dụng lý do này để biện hộ cho việc giảm nguồn cung một cách có chủ đích./.